Xóa định kiến về 'ngôi đền thiêng' mỹ thuật

'Mỗi bảo tàng có thế mạnh riêng và cần tập trung vào đó khai thác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để biến thành những điều hấp dẫn công chúng' - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS. NGUYỄN ANH MINH chia sẻ về những nỗ lực tạo nên không gian nghệ thuật thu hút công chúng giữa thủ đô.

Kết nối bảo tàng - công chúng

- Gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ý tưởng đổi mới hoạt động của Bảo tàng bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

- Vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thêm một số hoạt động mới như tổ chức hòa nhạc, để vừa thu hút, vừa tri ân khách tham quan. Cụ thể, vào Chủ nhật cuối cùng của tháng, Bảo tàng tổ chức mini concert tại không gian ngoài trời; hàng quý, tổ chức hòa nhạc lớn, hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh việc thưởng thức các không gian trưng bày, được đắm chìm vào những giai điệu âm nhạc, kỳ vọng sẽ là một trải nghiệm khó quên cho khách tham quan.

Đông đảo công chúng đến với mỹ thuật. Ảnh: BTMTVN

Đông đảo công chúng đến với mỹ thuật. Ảnh: BTMTVN

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tổ chức ký họa cho khách tham quan, đổi mới cách tiếp cận trưng bày, xây dựng những thước phim... Mới đây nhất chúng tôi ra mắt Không gian triển lãm trực tuyến của Bảo tàng, giúp người xem có thể tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật mọi lúc, mọi nơi; tour tham quan theo chủ đề “Tranh sơn mài Việt Nam” và “Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, với những thông tin và kiến thức cần thiết về các tác phẩm nghệ thuật đang được lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng, khám phá những câu chuyện hấp dẫn phía sau hiện vật, tham gia trải nghiệm mỹ thuật...

Với các hoạt động đổi mới này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mong muốn tạo ra một không gian nghệ thuật giữa thủ đô. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, chính sự phát triển của công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, truyền thông số là yếu tố vô cùng quan trọng giúp chúng tôi triển khai các hoạt động nhằm đưa Bảo tàng, các tác phẩm mỹ thuật đến gần hơn với công chúng.

- Nhiều người lo ngại sự phát triển của công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số có thể sẽ khiến khách tham quan đến Bảo tàng vốn đã ít ngày càng ít hơn. Tuy nhiên, thực tế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có vẻ như ngược lại?

- Từ năm 2017, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng đề án về thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA và bắt đầu triển khai năm 2019, 2021 ra mắt. iMuseum VFA có 9 ngôn ngữ, có những câu chuyện hết sức ngắn ngọn, khoảng 2 - 3 phút, về tác phẩm, tác giả, giúp khách tham quan có thể hiểu ý tưởng sáng tác, ý đồ hoặc tạo hình tác phẩm... Hiểu về mỹ thuật, mọi người đến với Bảo tàng nhiều hơn, thích thú thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật.

Thuyết minh đa phương tiện còn góp phần lan tỏa thông tin, tình yêu nghệ thuật tới công chúng. Hiện nay, 15% khách Việt Nam đến Bảo tàng sử dụng iMuseum, còn khách nước ngoài đa số sử dụng, khách Hàn Quốc gần như 100% sử dụng ứng dụng và họ đều rất thích.

Công nghệ mới, như mapping hay kỹ thuật trình chiếu và ảnh động cinemagraph trong trưng bày cũng được sử dụng, tạo dạng thức tranh chuyển động, mang đến cho công chúng trải nghiệm, cách thưởng lãm tác phẩm mới, khai thác tính ưu việt của công nghệ số...

Truyền thông số cũng được tập trung đẩy mạnh, đặc biệt là truyền thông qua mạng xã hội, từ đó, lan tỏa tới đối tượng công chúng trẻ. Chúng tôi tổ chức trao giải cho những video clip hay nhất, chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Giải thưởng tuy nhỏ nhưng động viên, khuyến khích công chúng tiếp tục dành tình yêu mến cho Bảo tàng. Đây chính là những "cánh tay nối dài" để truyền thông cho Bảo tàng được nhiều người biết tới hơn.

“Đảo chiều” khách nội

- Sự đón nhận của khách tham quan với sự thay đổi trong hoạt động và dịch vụ của Bảo tàng thời gian qua ra sao, thưa ông?

- Thực tế, một thời gian dài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rất vắng khách, với tư duy Bảo tàng như một “ngôi đền thiêng” chỉ dành cho giới mỹ thuật. Một số người từng nói với tôi rằng, đừng hy vọng nơi đây đông khách. Suy nghĩ này chưa thực sự đúng. Một bảo tàng phải được sự đón nhận của công chúng và càng đông công chúng đến mới thể hiện hiệu quả, thành công về trưng bày. Tất nhiên, để tạo ra sự đột phá, mỗi bảo tàng phải biết thế mạnh của mình và tập trung vào đó để biến thành những điều hấp dẫn công chúng.

Qua rất nhiều cuộc làm việc với báo chí, công ty lữ hành, khách tham quan, chúng tôi nhận được các góp ý rằng phải đa dạng hình thức để thu hút khách tham quan. Các công ty lữ hành cho biết trước đây họ rất sợ đưa khách đến Bảo tàng, hướng dẫn viên không hiểu nhiều về mỹ thuật, nên tìm cách không đưa khách đến, và Bảo tàng chủ yếu đón khách lẻ. Thống kê trước đây, khách đến Bảo tàng 80 - 90% là khách quốc tế, còn lại là nhà nghiên cứu, người hiểu về mỹ thuật trong nước.

Năm 2018 - 2019, chúng tôi đón mỗi năm chỉ khoảng 50.000 lượt khách, hiện nay, số lượng khách đã tăng gấp đôi, đặc biệt là lượng khách Việt Nam rất đông. 80% khách đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện nay là khách trong nước. Sự đảo chiều khách như vậy rất đáng mừng, nhất là khi ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu mỹ thuật, yêu cái đẹp, hướng tới những giá trị nhân văn.

- Bảo tàng sẽ tận dụng bước đà này để tiếp tục thu hút công chúng đến với mỹ thuật như thế nào?

- Có thể nói, việc quan trọng nhất đối với Bảo tàng hiện nay chính là xây dựng cơ sở dữ liệu. Bảo tàng sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, sau đó tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng đa dạng công nghệ để tạo ra những hình thức mới trong trưng bày; có cách thức để công chúng trẻ có thể trải nghiệm, thưởng thức mỹ thuật đa giác quan.

Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các công ty lữ hành, xây dựng các tour riêng, gắn với trải nghiệm đối với khách trong nước cũng như quốc tế, đưa Bảo tàng trở thành điểm đến của khách du lịch.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/xoa-dinh-kien-ve-ngoi-den-thieng-my-thuat-i346435/