Xóa trường tạm, đẩy mạnh kiên cố hóa trường, lớp học

Xác định kiên cố hóa trường, lớp học là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã và đang nỗ lực huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các trường học, chú trọng trang bị cơ sở vật chất tạo mọi điều kiện tốt nhất phục vụ công tác giảng dạy.

Cơ bản xóa phòng học tạm bợ, xuống cấp

Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016-2020” của Sở Giáo dục và Đào tạo, đề án đã xóa cơ bản các phòng học tranh tre, xuống cấp ở bậc học mầm non và tiểu học tại các địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; từng bước xây dựng phòng học đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, từ năm 2016-2020, đề án đã xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 215 phòng học với tổng kinh phí 114.170 triệu đồng, trong đó, 76 phòng học dành cho bậc mầm non và 139 phòng học bậc tiểu học.

 Cô trò tại điểm trường Chân Rò 2, Trường Tiểu học số 1 Đakrông (huyện Đakrông) được học trong ngôi trường kiên cố khang trang - Ảnh: L.T

Cô trò tại điểm trường Chân Rò 2, Trường Tiểu học số 1 Đakrông (huyện Đakrông) được học trong ngôi trường kiên cố khang trang - Ảnh: L.T

Là một trong những điểm trường được đầu tư xây dựng theo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học từ năm 2018, đến nay, điểm trường Chân Rò 2, Trường Tiểu học số 1 Đakrông (huyện Đakrông) đã cơ bản đáp ứng việc dạy và học của 65 học sinh ở 5 bậc học thuộc thôn Chân Rò, xã Đakrông.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Đakrông Hồ Đắc Xuân cho biết, điểm trường Chân Rò 2 cách trung tâm thị trấn hàng chục cây số. Những năm trước, việc đến trường của học sinh nơi đây gặp nhiều khó khăn do đường giao thông cách trở, trường lớp tạm bợ, xuống cấp, việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cũng gặp khó khăn.

Từ khi được đầu tư xây dựng kiên cố một dãy nhà 2 tầng với 5 phòng học, 2 phòng đợi giáo viên đã phần nào hỗ trợ việc dạy học và huy động học sinh đến lớp thuận lợi hơn. Với dãy nhà 2 tầng tại điểm trường Chân Rò 2 cơ bản đáp ứng việc dạy và học. Tuy nhiên, về lâu dài, điểm trường còn thiếu các phòng học bộ môn, thực hành, các thiết bị dạy học cơ bản và khu vui chơi ngoài trời cho học sinh. Nhà trường mong muốn sớm được đầu tư các hạng mục còn lại để đảm bảo tốt hơn điều kiện dạy học.

Với yêu cầu xóa phòng học tạm bợ, xuống cấp, từng bước kiên cố hóa trường, lớp học ở nhiều địa phương, đơn vị đã được bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là tại các điểm trường thuộc những vùng khó khăn và những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh công tác kiên cố hóa trường, lớp học, song song các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương thì công tác huy động xã hội hóa luôn được các địa phương và đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, hỗ trợ tích cực các hoạt động xây dựng, tu sửa hệ thống trường, lớp trong toàn tỉnh.

Trường Mầm non Hoa Sen, xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ) có khoảng 345 học sinh ở 3 điểm trường. Những năm trước, cơ sở hạ tầng mặc dù được đầu tư nhưng xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng tốt cho việc dạy và học. Thông qua sự kêu gọi vận động của địa phương, Ngân hàng VietinBank tài trợ 3,5 tỉ đồng xây dựng dãy nhà 2 tầng gồm 6 phòng học cho trường. Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 5/2018, đến nay, dãy nhà đã giải quyết được khó khăn trong giảng dạy.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen Nguyễn Thị Vinh cho biết, sau khi dãy nhà 2 tầng đưa vào sử dụng đã cơ bản giải quyết việc thiếu phòng học, phòng học tạm bợ, xuống cấp tại điểm trường trung tâm. Tuy vậy, nhà trường vẫn chưa thể hoàn thiện các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sau khi đề xuất, địa phương và ngành dành nguồn lực đầu tư tiếp dãy nhà 3 tầng gồm 2 phòng học, 6 phòng chức năng, 1 khu nhà ăn từ hỗ trợ của nguồn Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai miền Trung. Dự kiến, cuối năm nay dãy nhà 3 tầng sẽ bàn giao cho nhà trường. Đây là tín hiệu vui nhằm giúp trường xóa hoàn toàn các phòng học xuống cấp, đồng thời đạt các tiêu chí trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 theo tiến độ.

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông Phan Văn Đức, được sự quan tâm của các cấp, ngành, trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục của địa phương có những chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đặc biệt theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay, 100% xã, thị trấn có trường cao tầng hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; thiết bị dạy học được trang cấp, mua sắm bổ sung hằng năm.

Mặc dù vậy, điều kiện trên chỉ mới đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu của địa phương, bởi nhiều đơn vị còn thiếu phòng học trầm trọng hoặc phòng học bộ môn, khối phòng hành chính quản trị, thư viện, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập chưa có; thiết bị dạy học chưa được bổ sung kịp thời, đặc biệt đối với thiết bị dạy học lớp 2, 6 đã ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện chương trình giáo dục các cấp và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện. Địa phương kính đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để kịp thời giúp huyện vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ đào tạo trong thời gian tới.

Đẩy mạnh kiên cố hóa trường học

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, hỗ trợ từ các nguồn lực đầu tư, nhiều trường học được xây dựng mới, bảo đảm cho giáo viên yên tâm công tác, học sinh hào hứng học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, hiện số phòng, lớp học tạm bợ hoặc phòng học mượn trong toàn tỉnh vẫn còn khá lớn.

 Giờ học của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen, xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ) - Ảnh: L.T

Giờ học của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen, xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ) - Ảnh: L.T

Trước thực trạng trên, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng số phòng học được đầu tư xây dựng là 390 phòng, gồm bậc Mầm non 202 phòng; Tiểu học 125 phòng; 37 phòng dành cho bậc THCS và THPT là 26 phòng. Tổng mức đầu tư 195.100 triệu đồng. Quá trình triển khai thực hiện từ năm 2019-2025.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ khảo sát, triển khai thực hiện đề án, đơn vị và các địa phương đã và đang tích cực triển khai. Đến thời điểm này, đã có 36/36 điểm trường với 109/109 phòng học trong đợt 1 của đề án đã xây dựng hoàn thành và đang trong quá trình nghiệm thu trước khi bàn giao đưa vào sử dụng; số phòng học còn lại của đợt 2 đã được phê duyệt, hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng.

Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông năm học 2022- 2023 có 707 học sinh/27 lớp với 3 điểm trường. Trong đó, điểm trường 41 hiện đang phải sử dụng các phòng học mượn của Trường Mầm non Hoa Lan để giảng dạy. Nhằm kịp thời hỗ trợ nhà trường, năm 2021 từ nguồn kinh phí của Đề án kiên hóa trường, lớp học, trường được đầu tư xây dựng mới dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng học với tổng kinh phí khoảng gần 8 tỉ đồng.

Dự kiến cuối năm nay, dãy nhà mới sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng. Điều này sẽ giúp nhà trường khắc phục được tình trạng mượn phòng học, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời đảm bảo các tiêu chí trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thời gian tới.

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành Giáo dục Quảng Trị đã và đang tích cực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học cho tất cả các điểm trường, đảm bảo theo hướng đạt chuẩn.

Thời gian tới, Đề án “Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016- 2020” và Đề án “Xóa phòng học tạm, phòng học mượn, giai đoạn 2019-2025” sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục tỉnh, mong rằng các cấp, ngành, tổ chức xã hội...tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho công tác kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=172082&title=xoa-truong-tam-day-manh-kien-co-hoa-truong-lop-hoc-