'Xoáy' vấn về nông nghiệp, thi tuyển công chức

Sáng 6/12, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại những nội dung chính tại phiên làm việc này.

Đại biểu Lơ Mô Tu chất vấn

Đại biểu Lơ Mô Tu chất vấn

* Các đại biểu HĐND tỉnh: Lơ Mô Tu, Đào Bảo Minh, Đặng Thị Hồng Nga chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT về việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn nhiều hạn chế; việc triển khai trồng rừng thay thế chưa đảm bảo theo tiến độ; giải pháp khắc phục hệ thống kênh mương bị xuống cấp và việc điều tiết nước ở các xứ đồng xa nguồn nước?

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng:

Việc triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thời gian qua ở Phú Yên đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) ngành Nông - Lâm - Thủy sản giai đoạn 2016-2020 duy trì khoảng 4,1%/năm. Đối với trồng trọt, giá trị sản phẩm thu được bình quân năm 2019 là 78 triệu đồng/ha; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại lợi nhuận tăng trên 200%. Về chăn nuôi, đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi tập trung và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với thủy sản, giá trị sản phẩm thu được bình quân khoảng 950 triệu đồng/ha mặt nước; việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác thủy sản mang lại hiệu quả tăng gấp 1,5 lần so với trước. Về lâm nghiệp, đã triển khai chương trình quản lý rừng bền vững, xây dựng các chuỗi liên kết trong lâm nghiệp, phát triển một số mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế, cản trở đến quá trình phát triển bền vững.

Sở NN-PTNT đang tập trung đánh giá kết quả triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020, để định hướng mục tiêu, giải pháp cần tập trung thời gian tới. Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Tùng trả lời

Ông Nguyễn Trọng Tùng trả lời

Sở NN-PTNT tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách để tham mưu bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tìm giải pháp tạo bước đột phá trong tái cơ cấu, chú trọng phát triển nông nghiệp theo công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ…

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của 44 dự án, với hơn 363ha. Hầu hết các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế và đã trồng khoảng 344ha (đạt 94,69%), còn khoảng 19ha do chủ đầu tư nộp chậm và chưa nộp tiền trồng rừng thay thế nên bố trí vào kế hoạch năm 2020.

Sở NN-PTNT sẽ đôn đốc các chủ dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa nộp tiền trồng rừng thay thế phải thực hiện ngay trong đầu năm 2020. Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai trồng rừng thay thế đúng tiến độ, tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng đã trồng, có kế hoạch trồng dặm, chăm sóc, quản lý bảo vệ để đảm bảo đạt tiêu chí thành rừng.

Hiện nay, phần lớn hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng khá lâu, một số tuyến kênh mương bị xuống cấp nhưng chưa được duy tu, sửa chữa. Hệ thống kênh mương nội đồng do các địa phương quản lý, còn các hệ thống kênh chính thuộc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam) quản lý. Hệ thống kênh chính, phần lớn xây dựng khá lâu và đã xuống cấp nên hàng năm Công ty Đồng Cam đều bố trí khoảng 10 tỉ đồng để duy tu, sửa chữa.

Trước mắt, các địa phương phải tổ chức kiểm tra và bố trí ngân sách để duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo cấp nước. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nghiên cứu Chương trình kiên cố hóa kênh mương, nguồn cấp bù thủy lợi phí, sử dụng ngân sách tỉnh và địa phương để thực hiện kiên cố hóa kênh mương.

Ngay đầu vụ sản xuất, Sở NN-PTNT đều có hướng dẫn chuẩn bị sản xuất trồng trọt và triển khai lịch thời vụ. Các địa phương cần theo dõi tình hình thời tiết và điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ cho phù hợp. Các xứ đồng đầu kênh tưới thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam như Phú Hòa, Tây Hòa cần bố trí gieo sạ trà đầu.

Các xứ đồng ở cuối kênh như TP Tuy Hòa và các địa phương khác cần bố trí gieo sạ trà cuối. Đối với những diện tích nước về sau khung lịch gieo sạ, có thể gieo mạ trước để cấy sau khi nước về. Các địa phương cần rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước tưới để đề ra kế hoạch chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có nhu cầu ít nước nhằm thay thế cây lúa.

Đại biểu Lê Thị Hồng Lưu chất vấn

Đại biểu Lê Thị Hồng Lưu chất vấn

* Các đại biểu HĐND tỉnh: Đào Bảo Minh, Lê Thị Hồng Lưu, Nguyễn Thị Diệu Thiền chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ Võ Đức Thơ về việc chậm tổ chức thi tuyển công chức năm 2019; xét tuyển viên chức ngành Giáo dục; đề án Vị trí việc làm…

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Đức Thơ:

Để có cơ sở tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, ngày 27/6/2019, sở đã có văn bản gửi cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức năm 2019. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương báo cáo chậm so với yêu cầu. Đồng thời, văn bản đăng ký chưa xác định rõ yêu cầu đối với người dự tuyển; một số vị trí việc làm cần tuyển phải điều chỉnh lại cho phù hợp... Do đó, sở tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị, địa phương xác định các nội dung trên cho phù hợp với đề án Vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Ngày 14/10/2019, UBND tỉnh ban hành kế hoạch Tuyển dụng công chức tỉnh năm 2019, thời hạn nhận hồ sơ từ ngày 18/10-18/11/2019. Sở Nội vụ đang tổng hợp danh mục tài liệu để báo cáo Hội đồng thi, dự kiến ngày 22/12/2019 sẽ tổ chức thi tuyển vòng 1.

Đối với việc xét tuyển viên chức ngành Giáo dục, trên cơ sở báo cáo và đăng ký nhu cầu của UBND cấp huyện, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xét tuyển. Theo đó, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng viên chức là 910 biên chế, thời gian nộp phiếu từ ngày 14/10-14/11/2019. Đến nay, Sở Nội vụ đã nhận 1.913 hồ sơ đăng ký dự tuyển; dự kiến thời gian xét tuyển vào ngày 1/12/2019. Tuy nhiên, ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ có văn bản chỉ đạo về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước.

Ông Võ Đức Thơ trả lời

Ông Võ Đức Thơ trả lời

Qua tổng hợp, tổng số đề nghị xét tuyển đặc cách là 294/778 chỉ tiêu biên chế tuyển dụng. Ngày 27/11/2019, tỉnh xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên, trong đó xin mở rộng đối tượng là người đã có hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập và có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng BHYT bắt buộc, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng nhưng chấm dứt hợp đồng lao động trong năm học qua; giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo đúng quy định đã tham gia thi tuyển viên chức năm 2015-2016 nhưng không đạt kết quả hoặc không đủ điều kiện để tham gia.

Việc giao biên chế công chức cho cấp huyện, thời gian gần đây đều công khai theo từng đơn vị, địa phương và được thông qua các cuộc họp UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tại các cuộc họp cơ bản đều thống nhất theo như đề xuất. Đối với ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát việc giao chỉ tiêu biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020 của tỉnh đảm bảo phù hợp giữa các địa phương, đơn vị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, nhất là TP Tuy Hòa, ngày 26/11/2019, lãnh đạo UBND các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa đã thống nhất phương án năm 2020 giảm thay mỗi địa phương 1 biên chế công chức cho UBND TP Tuy Hòa.

ANH NGỌC - THÙY THẢO (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/232335/-xoay--van-ve-nong-nghiep-thi-tuyen-cong-chuc.html