Xu hướng chuyển dịch chi tiêu của người Thái Lan

Người dân Thái Lan đang có sự chuyển dịch trong chi tiêu, từ việc tập trung chủ yếu vào các loại hàng hóa tiêu dùng truyền thống sang chi cho các hoạt động trải nghiệm và đầu tư.

Người dân mua hàng trong một siêu thị tại Thái Lan. Ảnh: Ngọc Quang-P/v TTXVN tại Thái Lan

Người dân mua hàng trong một siêu thị tại Thái Lan. Ảnh: Ngọc Quang-P/v TTXVN tại Thái Lan

Theo kết quả từ Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) mới nhất do ngân hàng United Overseas Bank (UOB) thực hiện, người dân Thái Lan đang có sự chuyển dịch trong chi tiêu, từ việc tập trung chủ yếu vào các loại hàng hóa tiêu dùng truyền thống sang chi cho các hoạt động trải nghiệm và đầu tư.

Cụ thể, khảo sát từ nghiên cứu cho thấy cứ hai trong năm người tiêu dùng Thái Lan (khoảng 42% số người được khảo sát) vẫn đặt trọng tâm chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu, trong khi 58% còn lại, chủ yếu là những công dân trẻ tuổi, đang chuyển dịch sang chi tiêu cho hoạt động trải nghiệm và đầu tư.

Được thực hiện với sự hợp tác của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group, ACSS 2024 cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, từ đó vạch ra các kế hoạch và giải pháp giúp cả người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua những thách thức kinh tế hiện tại.

Ông Yuttachai Teyarachakul, Trưởng phòng Dịch vụ Tài chính cá nhân của UOB Thái Lan cho biết: "Nghiên cứu năm nay nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn bị tài chính đối với người tiêu dùng Thái Lan, khi họ phải đối mặt với áp lực kinh tế, bao gồm lạm phát, chi phí gia đình tăng và tiết kiệm giảm".

Những phát hiện của ACSS 2024 chỉ ra rằng lạm phát gia tăng tiếp tục là mối quan tâm chính của người tiêu dùng tại quốc gia Đông Nam Á này, với 64% tổng số người được hỏi coi đây là mối lo ngại chính. Ngoài ra, 60% người được hỏi cho rằng đó là vấn đề chi phí gia đình tăng và 58% thừa nhận tiết kiệm giảm là các yếu tố chính tác động đến tâm lý tiêu dùng.

Để ứng phó với các mối lo ngại này, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ đã giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, trong khi 45% người được hỏi đã cố gắng tìm kiếm các nguồn thu nhập phụ khác và 44% bắt đầu tích cực tìm kiếm các ưu đãi và giảm giá khi mua sắm.

Tuy nhiên, bất chấp tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng Thái Lan tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho hoạt động trải nghiệm. Hơn 40% người tiêu dùng Thái Lan cho biết họ đã tăng chi tiêu cho các trải nghiệm như du lịch, ăn uống sang trọng, hòa nhạc, sự kiện và lễ hội trong năm qua. Sự gia tăng chi tiêu cho trải nghiệm đặc biệt rõ rệt ở những người thuộc thế hệ gen Z (thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012 ) chiếm 56% và thế hệ Y (là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1981 tới 1996) chiếm 45%. Dữ liệu chi tiêu từ thẻ tín dụng visa của UOB Thái Lan cũng khẳng định xu hướng này, khi chi tiêu cho hoạt động trải nghiệm của các chủ thẻ tăng gần 3%, trong khi chi tiêu cho mặt hàng xa xỉ giảm 9%.

Ba khoản chi tiêu cho hoạt động trải nghiệm hàng đầu trong số những người sở hữu thẻ UOB Thái Lan là ăn uống, du lịch và giải trí, tiếp theo các sự kiện như hòa nhạc và lễ hội. Chi tiêu cho giải trí tăng trưởng mạnh nhất với con số 57%.

Theo kết quả của ACSS 2024, du lịch quốc tế vẫn chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu trải nghiệm, với hơn một nửa người tiêu dùng Thái Lan (58%) đã thực hiện ít nhất một chuyến đi nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á trong năm qua.

Những người tham gia trả lời cũng cho biết họ ưa chuộng các điểm đến trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Singapore (Xinh-ga-po), Việt Nam và Malaysia (Ma-lai-xi-a). Dữ liệu từ chủ sở hữu thẻ UOB Visa đã xác nhận xu hướng này, với mức tăng 5% trong hóa đơn thanh toán thẻ xuyên biên giới (tính từ ngày 1/7/2023 - 30/6/2024), chủ yếu là những người đi du lịch đến 3 quốc gia ASEAN nêu trên, ngoài ra còn có Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp.

Mặc dù chi tiêu trải nghiệm tăng lên, người tiêu dùng Thái Lan cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc tiết kiệm. 57% người tiêu dùng Thái Lan cho biết họ có quỹ khẩn cấp để trang trải ít nhất 3 tháng chi phí, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%.

Đáng chú ý, thế hệ trẻ tại Thái Lan ưu tiên bảo toàn tài sản thông qua tiết kiệm và đầu tư hơn so với những người lớn tuổi hơn. Thống kê của UOB Thái Lan cho thấy số lượng tài khoản tiền gửi do Thế hệ Z nắm giữ đã tăng 52% trong nửa đầu năm 2024, trong khi số lượng tài khoản tiền gửi do Thế hệ Y nắm giữ tăng 27% trong cùng kỳ.

Về mặt đầu tư, số lượng nhà đầu tư Gen Z đã tăng vọt 129%, trong khi các nhà đầu tư Gen Y tăng 23%. Các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Gen Z và Gen Y thông qua UOB Thái Lan đã tăng tổng cộng 10%, trong khi các khoản đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ được đăng ký tại Thái Lan cũng tăng 14%.

Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-chuyen-dich-chi-tieu-cua-nguoi-thai-lan/351989.html