Xu hướng tất yếu cho cuộc sống xanh

Phát triển vật liệu xanh mang lại các lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế - xã hội và môi trường. Đây cũng là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển thành phố xanh, mà Hà Nội đang hướng tới. Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng xung quanh vấn đề này.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Toàn Cầu (Hà Nội) đang cung cấp cho thị trường sản phẩm gạch không nung phù hợp với điều kiện thi công và khí hậu Việt Nam.

- Bà có thể cho biết, được gọi là công trình xanh thì phải đáp ứng các tiêu chí gì? Vật liệu xây dựng an toàn và thân thiện với môi trường có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam?

- Công trình xanh là những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Công trình xanh không chỉ là công trình có nhiều cây xanh, mà phải được sử dụng vật liệu xây dựng an toàn, ít gây tác hại cho người sử dụng và giảm thiểu tiêu cực đến môi trường.

- Bà có thể nói rõ thêm vật liệu xây dựng an toàn và thân thiện với môi trường có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam?

- Thời gian qua, quá trình bê tông hóa đô thị diễn ra nhanh chóng và việc sử dụng các vật liệu không an toàn, không thân thiện với môi trường đã gây những ảnh hưởng tiêu cực như hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ngập úng, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm, sụt lún nền đất đô thị, mất cân bằng hệ sinh thái… Do vậy, Việt Nam đang rất cần những loại vật liệu xanh, an toàn để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (nguồn đất nông nghiệp, đất hóa thạch) và cắt giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường; đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ chất thải công nghiệp (tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện), nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Hiện nay, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, để phát triển bền vững, yếu tố môi trường là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người. Chính vì vậy, việc sử dụng các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường cần phải được ưu tiên trong các công trình xây dựng.

- Việc thay thế vật liệu thường bằng vật liệu thân thiện với môi trường có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, khi Thủ đô đang trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, thưa bà?

- Thành phố thông minh là một phần trong ý niệm về thành phố xanh. Trong khi đó, thành phố xanh được phát triển từ 3 ý niệm: Một đô thị có tỷ lệ cây xanh đáng kể đóng góp vào sự cân bằng sinh thái; phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, các công trình xây dựng được làm bằng các vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường và ứng phó hữu hiệu với tình trạng biến đổi khí hậu; sử dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh.

Thực hiện “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đang quyết tâm giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn. Trong quá trình hướng tới xây dựng đô thị văn minh, đô thị sinh thái bền vững, việc dùng vật liệu xây dựng an toàn và thân thiện với môi trường ở Hà Nội, theo tôi, phải là điều kiện tiên quyết.

- Bà có thể cho biết, các chính sách, giải pháp phát triển vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường ở nước ta hiện nay như thế nào?

- Chủ trương chung của Nhà nước là phát triển vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường. Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Thời gian qua, việc sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất nung trong xây dựng đã đạt được những bước tiến nhất định. Chất lượng vật liệu không nung ngày càng được nâng cao, chủng loại phong phú, các loại vật liệu phụ, máy và dụng cụ chuyên dùng cũng phổ biến hơn... Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường còn gặp một số hạn chế, như: Người dân chưa thật sự hình thành thói quen sử dụng và giá thành còn cao...

Để phát triển bền vững các vật liệu xây dựng xanh, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vật liệu tiên tiến. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang dự thảo lấy ý kiến về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Khi chiến lược được ban hành sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, cải tạo các nhà máy sản xuất và kiểm soát chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

Ngoài ra, để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ loại sản phẩm này, bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cũng cần có tính chiến lược, giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng vật liệu truyền thống.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Trần Nhân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/973354/xu-huong-tat-yeu-cho-cuoc-song-xanh