Xử lý các tranh chấp, thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - Trung Quốc

Những năm gần đây, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam; Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Song các chuyên gia cho rằng, quan hệ thương mại và đầu tư càng nhiều thì tính chất phức tạp của các giao dịch càng tăng và tranh chấp cũng dễ xảy ra.

Hiện quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng có xu hướng gia tăng về quy mô. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai bên đạt 27,3 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến tháng 3/2024, vốn đầu tư trực tiếp lũy kế của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 27,64 tỷ USD, với tổng số trên 4.400 dự án đầu tư. Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, chắc chắn sẽ mở ra thời kỳ mới, mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn.

“Trong mấy năm qua, nền kinh tế thế giới đứng trước nhiều biến động thị trường thu hẹp lại, song quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam với Trung Quốc vẫn tiếp tục có những bước phát triển. Hiện nay, quan hệ thương mại song phương đang tiến gần tới ngưỡng 200 tỷ USD, quan hệ đầu tư của Trung Quốc cũng có tăng đột biến vào Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong những tháng đầu năm nay. Với xu hướng này, đầu tư FDI của Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc mạnh trong thời gian tới, cũng như quan hệ về xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ tiếp tục được thúc đẩy”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, quan hệ thương mại và đầu tư càng nhiều thì tính chất phức tạp của các giao dịch càng tăng và các tranh chấp cũng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ. Cụ thể đó là, rủi ro do xung đột pháp luật và sự thiếu tương thích của các quy định pháp luật, sự thiếu ổn định và hoàn thiện về chính sách cũng như quy định pháp luật và sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật… Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan của nước nơi thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư. Cùng với đó, tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến đối tác trước khi giao kết hợp đồng, tiến hành hợp tác đầu tư; thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin kinh doanh, đầu tư.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, khi có tranh chấp, cần nhắc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý. Theo đó, cân nhắc việc xây dựng cơ chế phòng ngừa, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp.

“Thách thức pháp lý lớn nhất liên quan đến hoạt động về thương mại đầu tư giữa Trung Quốc - Việt Nam xuất phát từ môi trường pháp lý môi, trường chính sách từ phía Việt Nam nhiều hơn. Có nghĩa là phía Trung Quốc họ không hiểu về quy định của pháp luật Việt Nam. Chính sách về môi trường kinh doanh ở Việt Nam thay đổi thường xuyên, nên các doanh nghiệp Trung Quốc phải sẵn sàng bỏ nhiều công sức hơn nữa để nghiên cứu, cập nhật thường xuyên, và sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhất là Luật sư tư vấn, trọng tài giải quyết tranh chấp sẽ giải quyết được những vướng mắc”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập nêu ý kiến.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xu-ly-cac-tranh-chap-thuc-day-quan-he-thuong-mai-dau-tu-viet-nam-trung-quoc-post1098846.vov