Xử lý dứt điểm tàu cá '3 không'
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước còn tới hơn 9.300 tàu '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ, không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên...
Tại cuộc họp với 6 tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Bình Định mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc gỡ "thẻ vàng" IUU giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, tham gia hội nhập chủ động, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như châu Âu.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần thẳng thắn, trung thực, khoa học, cầu thị để đánh giá chính xác, tìm ra nguyên nhân khiến sau 7 năm vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm ngày càng cao, hết sức tinh vi, thậm chí có tính liên quốc gia.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh vấn đề cần đưa ra giải pháp tổng thể không chỉ để gỡ "thẻ vàng", mà làm sao để nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản tại của các ngư trường. Nếu để ngư dân tiếp tục ra khơi trong khi các ngư trường cạn kiệt thì không thể giải quyết triệt để các hành vi vi phạm IUU.
Thực tế hiện nay cho thấy, hiện nay ở nhiều địa phương một số nhiệm vụ chống khai thác IUU chậm khắc phục. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: Sử dụng tàu có chiều dài dưới 15m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh; hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu khác.... Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành khi mới có 89% tàu cá có đăng ký và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74,1%.
Đáng chú ý, hiện cả nước còn tới hơn 9.300 tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ, không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên...
Cho đến cuối tháng 10, lực lượng chức năng mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng, khoảng 30% sản lượng thủy sản khai thác được giám sát qua cảng, một số địa phương giám sát sản lượng thủy sản khai thác dưới 5%, như Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An…
Tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên, với số lượng lớn, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… và các tỉnh có số lượng lớn nghề lưới kéo, như Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu… Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện được ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó là thực trạng tàu cá không cập cảng nhưng vẫn bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại nhiều địa phương.
Việc chống vi phạm quy định IUU phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, bảo đảm sinh kế bền vững cho ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau gần 7 năm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng IUU”, với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các lực lượng chức năng ở trên bờ, trên biển, nhưng những vấn đề lớn, bức xúc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do công tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp với các lực lượng chấp pháp để kiểm soát toàn bộ tàu cá "3 không", tàu cá đã xóa số đăng ký trong tháng 11/2024. Trên cơ sở đữ liệu rà soát “tàu ma” của địa phương, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư triển khai chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý dứt điểm các “tàu ma”. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, khẩn trương thực hiên nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) và kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Dự kiến đầu tháng 11, đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến nước ta kiểm tra chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu không thể xóa thẻ vàng IUU trong dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tỷ lệ xử lý vi phạm trong khai thác tương đối thấp, theo số liệu của Cục Kiểm ngư là khoảng 10%, điều này khiến phía EC cho rằng, những biện pháp mà Việt Nam đưa ra chưa đủ sức răn đe.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực, đảm bảo trực ban 24/24h; theo dõi, giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/xu-ly-dut-diem-tau-ca-3-khong-i749067/