Xử lý mạnh tay hành vi bán hàng xách tay, nhập lậu

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Chính phủ ban hành là cơ sở để chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi, hoạt động rao bán hàng xách tay, hàng nhập lậu, giả… tràn lan trên thị trường hiện nay.

Các lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng xách tay bị tạm giữ khi vận chuyển qua địa bàn Phú Yên. Ảnh: KHANG ANH

Hàng xách tay, nhập lậu ẩn chứa nhiều rủi ro

Khảo sát thị trường trong tỉnh, các mặt hàng gắn mác “xách tay” được rao bán là sữa lon, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phụ kiện, đồ gia dụng, sản phẩm thời trang… có xuất xứ từ Úc, Pháp, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… do các trang bán hàng online của cá nhân đăng tải thông tin, cung cấp cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các loại hàng xách tay này cũng được bán ở một số cửa hàng, nhưng thường không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt; không ghi tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu về Việt Nam. Giá bán của các sản phẩm cũng không có sự đồng nhất mà chênh lệch giữa các trang bán hàng.

Chị Lương Thị Hồng Thanh ở phường 8, TP Tuy Hòa chia sẻ: Tôi thường mua mỹ phẩm có nguồn gốc nước ngoài để sử dụng vì tin là chất lượng tốt. Tuy nhiên, để mua được một sản phẩm xách tay qua “chợ mạng” thì mất khá nhiều thời gian chọn lựa điểm bán, so sánh giá vì không phải sản phẩm cùng loại nào cũng có giá bán như nhau giữa các trang kinh doanh online.

Ví dụ, 1 cây son môi hiệu Estee Lauder có trang bán 350.000 đồng nhưng trang khác thì 300.000 đồng; son hiệu Mac Ruby cũng có thể bán 560.000 đồng hoặc 750.000 đồng/cây; 1 áo khoác gió hiệu Uniqlo của Nhật Bản có nơi bán 460.000 đồng nhưng cũng có nơi bán 290.000 đồng… Để đưa ra một mức giá cho người tiêu dùng, các chủ hàng thường đăng thông tin nhãn hàng giảm giá “khủng”, “sale sập sàn”, “giảm giá cuối”…

Chị T.T.N.H, một người từng bán hàng xách tay của Pháp, Úc tại TP Tuy Hòa cho biết: Nếu là hàng xách tay đúng nhãn hiệu của nhà sản xuất thì giá bán tại Việt Nam sẽ không rẻ hơn giá gốc, trừ khi tại nơi cung cấp (nước ngoài) có chương trình giảm giá. Tuy nhiên, nếu giảm giá ở nơi cung cấp nhưng để vận chuyển về Việt Nam, người bán luôn cộng thêm phí vận chuyển, giao hàng… nên giá cũng sẽ không thấp nhiều so với giá gốc của hãng.

Do đó, hàng xách tay bán với giá rẻ có thể là hàng nhập trôi nổi, hàng nhái, hàng trà trộn các thương hiệu nổi tiếng… Đôi khi, các sản phẩm gắn mác của nhãn hiệu nổi tiếng nhưng lại được xách tay từ Trung Quốc về, là hàng hiệu nhưng sản xuất tại Trung Quốc, nhập khẩu không hóa đơn, chứng từ.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, đa số hàng xách tay được nhập về nước theo đường tiểu ngạch. Các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng xách tay, hàng nhập lậu theo nhiều hình thức, ngụy trang bằng cách bỏ vào thùng xốp, túi xách, vali đựng quần áo… nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Phan Hoài Liêm, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết: Đáng lo ngại là hàng xách tay, hàng nhập lậu được vận chuyển, bán trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau; không được cơ quan chức năng có chuyên môn kiểm định chất lượng; không có nhãn phụ, không ghi địa chỉ, tên cá nhân, cơ sở chịu trách nhiệm nhập khẩu nên không thể truy xuất nguồn gốc.

Xử lý nghiêm, tăng mức phạt theo quy định mới

Ra sức ngăn chặn hành vi vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng không đúng quy định, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển hàng xách tay, hàng nhập lậu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Cùng với đó là nhiều trường hợp bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cung cấp hàng xách tay, nhập lậu không đúng quy định đã bị xử lý, tịch thu hàng.

Chỉ trong tháng 10, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra phương tiện chở nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ theo đúng quy định; trong đó có gần 1.000 đơn vị sản phẩm các loại như bánh, sữa, thực phẩm chức năng, lúa mạch, vitamin… ước tính trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trước tình hình buôn bán tràn lan mặt hàng xách tay, nhập lậu, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực từ hôm nay (ngày 15/10).

Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Những vi phạm mà lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều trong thời gian qua là vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng xách tay không hóa đơn chứng từ, không rõ xuất xứ, vi phạm nhãn mác…

Các tổ chức, cá nhân thường lợi dụng việc lưu thông của hàng hóa, nhất là hàng xách tay, nhập lậu trên thị trường để kinh doanh hàng giả, hàng nhái… nhằm thu lợi, lừa người tiêu dùng. Lâu nay, chế tài xử lý còn áp dụng theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, về hình thức xử phạt thì vẫn có những nội dung chưa đủ sức răn đe, không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP mới sẽ có nhiều nội dung quy định cụ thể hơn, mức xử phạt cũng tăng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã và sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Đặc biệt để cảnh báo người tiêu dùng, ông Huỳnh Trang lưu ý: Hàng xách tay bán trên thị trường phải ghi nhãn phụ để có thể truy xuất nguồn gốc và xác định được cá nhân, cơ sở chịu trách nhiệm nhập khẩu, kinh doanh. Đối với thuốc, thực phẩm chức năng phải có chỉ dẫn thật cụ thể, chính xác bởi nếu sử dụng sai liều lượng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người dùng.

Người dân không nên mua hàng xách tay nếu trên bao bì không ghi rõ địa chỉ nơi nhập hàng, không có hướng dẫn, nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhằm tránh mua phải hàng xách tay giả, nhái, không đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm…

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ hôm nay (ngày 15/10), quy định rõ hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... được xếp vào diện hàng nhập lậu. Hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên bị phạt từ 40-50 triệu đồng.

Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm, tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản thực phẩm… thì phạt tiền gấp 2 lần tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức. Kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan có giá trị 100 triệu đồng bị phạt tới 200 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm còn có thể lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân, 400 triệu đồng với tổ chức vi phạm; có trường hợp vi phạm khác với mức phạt lên tới hàng tỉ đồng.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/247683/xu-ly-manh-tay-hanh-vi-ban-hang-xach-tay-nhap-lau-%C2%A0.html