Xử lý nghiêm cán bộ, viên chức có sai phạm về kinh tế
Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý nghiêm cán bộ, viên chức có các sai phạm về kinh tế, thu hồi triệt để tài sản...
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Đáng chú ý, tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc, không để kéo dài quá thời hạn quy định, nhất là các cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm và các sai phạm về kinh tế, thu hồi triệt để tiền, tài sản.
Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, chây ỳ, né tránh, không thực hiện kết luận thanh tra.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm hoàn thành trước 30-9-2024 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Song song đó là giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách với công chức, viên chức dôi dư; tập trung rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng và phân loại đô thị và xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp.
Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương bảo đảm việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 - 2025 đúng tiến độ. “Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề phức tạp, phát sinh để xử lý, tháo gỡ trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất” – Nghị quyết nêu rõ
Bộ Nội vụ còn được giao khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ, bảo đảm thống nhất, phù hợp với Quy định 148 của Bộ Chính trị và báo cáo Thủ tướng trong quý III-2024.
Một nhiệm vụ khác của Bộ này là tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, cần làm ngay để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định; quyết tâm gỡ "thẻ vàng" trong thời gian sớm nhất.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-ly-nghiem-can-bo-vien-chuc-co-sai-pham-ve-kinh-te-post800068.html