Xử lý nghiêm với vi phạm biển báo
Vô tư không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo giao thông với những hành vi như: Dừng, đỗ sai quy định, quay đầu không đúng nơi quy định, đi ngược chiều đường... đó là 'căn bệnh' khó chữa của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có 'liều thuốc' mạnh, xử lý nghiêm những vi phạm.
Vô tư đỗ xe ngay dưới biển cấm dừng, đỗ ở phố Đào Tấn (quận Ba Đình).
Cố tình vi phạm chỉ lệnh cấm
Ghi nhận của phóng viên trưa 26-5 tại các tuyến phố ở Hà Nội có biển báo cấm đỗ xe ô tô ngày chẵn, lẻ cho thấy vi phạm khá phổ biến. Cụ thể, tại phố Thi Sách, đoạn cắt ngang phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng), nhân viên cửa hàng ăn uống vẫn hướng dẫn khách hàng đỗ xe ở bên cấm đỗ xe vào ngày chẵn dù đầu phố đã có biển quy định. Cách đó không xa, tại phố Hàn Thuyên, phía sau biển cấm đỗ xe ngày chẵn có 6 ô tô đỗ nối đuôi nhau. Phố Nguyễn Bỉnh Khiêm có biển cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ, nhưng xe đỗ xếp hàng cả hai bên đường.
Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân phố Lê Văn Hưu cho biết: "Có nhiều người đỗ xe ô tô bất chấp quy định của biển báo. Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần lập biên bản xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng chắc do mức phạt chưa đủ sức răn đe nên các lái xe vẫn cố tình đỗ xe trong phạm vi biển cấm".
Chiều 26-5, phố Kim Mã (quận Ba Đình) có biển cấm rẽ trái và quay đầu nhưng các phương tiện vẫn rẽ trái vào đường Nguyễn Chí Thanh hoặc quay đầu. Tương tự, tại trước số nhà 90 phố Đào Tấn (quận Ba Đình) có biển cấm quay đầu xe nhưng các phương tiện vẫn vô tư vi phạm.
Bà Nguyễn Thùy Nga, phố Đào Tấn bức xúc: "Tuyến phố Đào Tấn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông. Bởi vậy, có những lúc chỉ cần một xe ô tô quay đầu vào đúng giờ tan tầm là có thể gây ùn tắc cục bộ". Trong khi đó, trước lối rẽ vào Trường Đại học Thương mại (đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) dù biển cấm đi ngược chiều gắn ngay lối rẽ nhưng người điều khiển xe máy vẫn đi vào đường một chiều để rẽ vào phố Dương Khuê (quận Cầu Giấy).
Chỉ một đoạn ngắn từ khu vực Bến xe khách Mỹ Đình đến ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì - Dương Đình Nghệ, có rất nhiều biển cấm dừng, đỗ, tuy nhiên đều bị nhiều người điều khiển phương tiện phớt lờ. Điển hình như trước cổng tòa chung cư FLC Complex (36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) hàng chục xe taxi, xe hợp đồng... dừng đỗ, đón trả khách dưới chân biển cấm dừng, đỗ…
Xử lý triệt để hơn nữa
Có rất nhiều nguyên nhân khiến biển báo giao thông bị vô hiệu hóa, tuy nhiên, những lỗi cơ bản được lực lượng chức năng chỉ ra là sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Thượng úy Phạm Đức Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) khẳng định: Có những trường hợp cố tình đỗ xe, buộc lực lượng chức năng phải cẩu xe về bãi trông giữ phương tiện vi phạm để tránh ùn tắc. “Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng quận đã xử phạt 161 trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định; 16 trường hợp đi vào đường cấm, 4 trường hợp đi ngược chiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử phạt, đồng thời tuyên truyền để người dân thực hiện đúng quy định”, Thượng úy Phạm Đức Ngọc nói.
Còn theo Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội), các lỗi vi phạm phần nhiều là do chủ phương tiện cố tình vi phạm vì sự tiện lợi của bản thân. Với hạ tầng giao thông như hiện nay, để người dân chấp hành quy định về biển báo, rất cần sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Đưa ra giải pháp, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) thông tin, Phòng Cảnh sát giao thông vừa phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội rà soát 155 nút đèn tín hiệu giao thông và xác định nhiều biển báo và đèn tín hiệu chưa hợp lý, gây nhiễu loạn giao thông nên đã quyết định bỏ 76 biển báo và đèn báo không có hiệu quả. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng duy trì tuyên truyền trên 55 cụm loa tại 55 nút giao thông trọng điểm, 15 màn hình LED, ti vi trên các tuyến phố và tiếp tục xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Đình Quyền cho biết, quan điểm của Sở là phải tăng cường kiểm tra để đẩy mạnh việc xử lý vi phạm. Với tinh thần đó, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính hơn 2.200 trường hợp. Trong đó, xử lý 336 trường hợp không chấp hành biển báo hiệu cấm, phạt tiền 504 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với người vi phạm. Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý triệt để hơn nữa các vi phạm.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/968563/xu-ly-nghiem-voi-vi-pham-bien-bao