Xử lý nợ tại Ngân hàng Chính sách: Đồng ý bổ sung loạt nguyên nhân khách quan
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, Thường trực Chính phủ đồng ý bổ sung một số nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro vay vốn...
Sáng 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội và dự thảo Nghị định về quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Theo báo cáo của một số bộ, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội, về cơ bản, cơ chế xử lý nợ rủi ro được quy định trong Quyết định 50 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết, xử lý được các rủi ro do nguyên nhân khách quan. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ năm 2002 đến nay, tổng số nợ được xử lý rủi ro là 4.647 tỷ đồng cho 804.000 món vay.
Tuy nhiên, trong 10 năm triển khai Quyết định 50, xuất hiện một số rủi ro do nguyên nhân khách quan khác chưa được quy định trong Quyết định này, do đó cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung.
BỔ SUNG LOẠT NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN TRONG XỬ LÝ NỢ
Dự thảo bổ sung một số nguyên nhân khách quan như biến động chính trị, kinh tế - xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài.
Một số nguyên nhân khác như doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; doanh nghiệp tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề. Hoặc các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn.
Một số nguyên nhân khách quan khác được bổ sung bao gồm khách hàng vay vốn hoặc thành viên khác trong hộ gia đình mắc bệnh hiểm nghèo; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bổ sung các thành viên khác trong hộ gia đình bị rủi ro cũng được xem xét xử lý nợ (do theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tới hộ gia đình, vì vậy các thành viên trong hộ gia đình sẽ có quyền lợi và trách nhiệm như nhau)…
Theo Bộ Tài chính, các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm đủ căn cứ pháp lý khi xử lý, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự công bằng, minh bạch, qua đó hỗ trợ cho người vay ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất và trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời có cơ sở rõ ràng cho việc thanh tra, kiểm tra đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các bộ, ngành thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi Quyết định 50.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là yêu cầu phát triển bền vững, thể hiện bản chất, định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ ta. Trong giai đoạn đổi mới, thành công quan trọng của đất nước, tỷ lệ nghèo giảm từ hơn 30% đến nay còn 2,7%.
"Giảm đói nghèo có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự vươn lên mạnh mẽ của người dân dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, và trong đó kênh vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ người dân trong bối cảnh nhiều biến đổi, nhất là thiên tai, khí hậu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt lưu ý những tác động, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đến đời sống nhân dân, đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Thủ tướng nêu rõ, việc sửa đổi quy chế xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan ban hành theo Quyết định 50 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Thường trực Chính phủ thống nhất cao sự cần thiết phải sửa đổi quy chế này.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, Thường trực Chính phủ đồng ý bổ sung một số nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro vay vốn, như khách hàng phải chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo cấp có thẩm quyền, biến động chính trị xã hội, dịch bệnh, các thành viên trong gia đình bị rủi ro, khách hàng hoặc thành viên trong gia đình bị bệnh hiểm nghèo, khách hàng mất tích, các khoản nợ theo phán quyết của tòa án nhưng không có điều kiện thi hành…
Cho rằng việc sửa đổi quy chế xử lý nợ bị rủi ro sẽ tạo điều kiện cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và để Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động hiệu quả, đúng hướng, Thủ tướng giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng xem xét ban hành.
Thủ tướng lưu ý rà soát những đối tượng gặp rủi ro do Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, người dân hết sức khó khăn. Bộ Tư pháp rà soát về căn cứ pháp lý, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh tạo kẽ hở lạm dụng chính sách.
HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, TẠO ĐIỀU KIỆN PVN PHÁT TRIỂN
Về dự thảo Nghị định liên quan đến quy chế tài chính đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp đóng góp 83.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, vị thế của ngành dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, không chỉ về kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh.
"Do đó, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển, nhất là phát triển khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) cùng với giải quyết tốt những vấn đề ở khâu hạ nguồn (sản phẩm phân bón, điện…) để nâng cao hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trước mắt và lâu dài)", Thủ tướng nhấn mạnh. "Nếu không có cơ chế tốt thì khó có thể phát triển bền vững. Các cơ chế phải tuân thủ theo Luật Dầu khí và các quy định khác".
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, rà soát chỉnh sửa, hoàn thiện quy chế theo đúng pháp luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về dầu khí và chế độ kế toán tài chính doanh nghiệp hiện hành, đảm bảo sự phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3 này, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn phát triển tốt hơn.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ các vấn đề bất cập còn tồn tại ở một số dự án của Tập đoàn từ trước đây.