Xử lý thế nào kẻ mạo danh Facebook của ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi từ thiện

Câu chuyện từ thiện của nữ ca sĩ Thủy Tiên hướng về miền Trung được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng ảnh hưởng của nữ ca sĩ này để trục lợi khiến dư luận bức xúc, lên án.

Những ngày qua, câu chuyện từ thiện của nữ ca sĩ Thủy Tiên đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của đông đảo mọi người. Bên cạnh chuyện ủng hộ về tài chính, nhiều người thường xuyên chia sẻ hành trình từ thiện của Thủy Tiên ở miền Trung với hi vọng lan tỏa tới cộng đồng.

Trên trang Facebook cá nhân, Thủy Tiên cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh quá trình đi từ thiện với hi vọng có thể san sẻ được phần nào những khó khăn vất vả của mọi người.

Thế nhưng, ngay lúc mọi người đang cố gắng cùng nhau chống lũ, chia sẻ những điều tích cực thì bất ngờ xuất hiện những tài khoản giả mạo, mạo danh Thủy Tiên để kêu gọi tài trợ. Tinh vi hơn, tài khoản này còn lấy tên và ảnh đại diện giống hệt fanpage của Thủy Tiên để mọi người dễ nhầm lẫn nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các "Mạnh Thường Quân".

Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên mang thực phẩm đến từng hộ dân trong vùng lũ (ảnh TL)

Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên mang thực phẩm đến từng hộ dân trong vùng lũ (ảnh TL)

Bình luận về sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện người dân miền Trung đang phải đối mặt với những thảm họa về thiên nhiên, những trận bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh đang phải vật lộn với lũ lụt để giành giật sự sống nên rất cần sự đóng góp, giúp đỡ của người Việt Nam trong và ngoài nước để vượt qua thời khắc khó khăn này.

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đạo đức bao đời của người Việt thì người dân cả nước luôn hướng về miền Trung ruột thịt. Không ít những tấm lòng hảo tâm đã thông qua các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc các nhà hảo tâm để chuyển tiền, thực phẩm, nhu yếu phẩm với hy vọng giúp đỡ phần nào khó khăn của người dân nơi đây.

Hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện để ủng hộ đồng bào miền Trung là phù hợp với đạo đức xã hội và phù hợp với quy định của pháp luật được cộng đồng xã hội hưởng ứng. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm lòng hảo tâm, những người không ngại khó khăn, gian khổ lăn lộn với sông nước bão lũ thì có những kẻ lợi dụng thiên tai, lợi dụng ảnh hưởng uy tín của người khác lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật.

"Hành vi mạo danh ca sĩ Thủy Tiên để quyên góp tiền là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã lợi dụng uy tín của ca sĩ Thủy Tiên nhằm chiếm đoạt tài sản (là số tiền từ thiện của các nạn nhân) từ 2.000.000 đồng trở lên thì chúng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 (BLHS 2015). Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tù chung thân.

Trong trường hợp xử lý hình sự thì đối tượng vi phạm trong tình huống này sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, hành vi giả mạo Facebook của ca sĩ Thủy Tiên để kêu gọi thiện nguyện nhằm trục lợi là đáng lên án

Theo luật sư Cường, hành vi giả mạo Facebook của ca sĩ Thủy Tiên để kêu gọi thiện nguyện nhằm trục lợi là đáng lên án

Cũng theo luật sư Cường, việc minh bạch hoạt động từ thiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng giả danh từ thiện để chiếm đoạt tài sản là cần thiết để giữ gìn đạo đức xã hội, phát huy những giá trị tích cực trong hoạt động từ thiện, lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người trong những lúc khó khăn. Xử lý đối tượng mạo danh Facebook của ca sĩ Thủy Tiên để quyên góp ủng hộ từ thiện cũng là một việc làm cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Khi những đối tượng mạo danh người nổi tiếng bị xử lý thì cũng sẽ giữ gìn được uy tín, sự tin yêu của họ trước công chúng.

"Có thể thấy rằng hoạt động từ thiện xuất phát từ cái tâm và đạo đức con người, đây là một hoạt động thiện nguyện, tạo phước. Nếu ai đó lợi dụng hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác thì không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để xử lý hình sự đối tượng này thì cơ quan điều tra phải vào cuộc xác minh làm rõ người đã lập Facebook giả là ai? Động cơ mục đích giả mạo tài khoản Facebook là gì? Số tiền mà đối tượng đã nhận được là bao nhiêu… để có căn cứ xử lý theo quy định", luật sư Cường phân tích.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

......

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/xu-ly-the-nao-ke-mao-danh-facebook-cua-ca-si-thuy-tien-keu-goi-tu-thien-20201019204027259.htm