Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Các doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính cho nhiều vi phạm như: Báo cáo không đầy đủ tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; thanh lý hợp đồng không theo quy định...

Việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa.

Việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một loạt doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, do vi phạm nhiều quy định của pháp luật.

Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Minh bị xử phạt cao nhất với mức 130 triệu đồng. Công ty này bị phạt do các vi phạm như: Báo cáo không đầy đủ tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật; ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đối với 2 lao động.

Ngoài ra, công ty cũng không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đối với 2 lao động; đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; thanh lý hợp đồng không theo quy định của pháp lụat đối với 3 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Cũng với lỗi vi phạm đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động trong hợp đồng đưa người lao đồng Việt Nam đi làm việc ở Macao (Trung Quốc) đối với 3 lao động, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Hùng Vương bị phạt mức 57,5 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Đào tạo nhân lực quốc tế T&G bị phạt 12,5 triệu đồng. Lý do bị phạt do doanh nghiệp này không đăng tải hoặc không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật về: danh sách nhân viên nghiệp vụ; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Trước đó, hồi tháng 9, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã ban hành kết luận thanh tra và xử lý vi phạm hành chính mức 27,5 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực Đông Anh.

Công ty này cũng có vi phạm là đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 1 lao động.

Bên cạnh đó, theo kết luận thanh tra, công ty này có tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn cao, chiếm 8,5% tổng số lao động xuất cảnh.

Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xu-phat-hang-loat-doanh-nghiep-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai.htm