Xu thế hội nhập trong đào tạo nhân lực
Việc các cơ sở GDĐH tại Việt Nam sử dụng các giảng viên, nghiên cứu người nước ngoài tham gia giảng dạy, NCKH tại đơn vị ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, ở các trường ĐH công lập hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính đã có những chính sách trả lương phù hợp với thị trường lao động, thu hút một lượng lớn chất xám đến từ nước ngoài.
Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và vị thế của các cơ sở GDĐH trên trường quốc tế.
Nâng cao năng lực khoa học cho trường
Là một thành viên có tuổi đời tương đối trẻ của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (HCMIU) thành lập từ năm 2003 đã sớm hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính từ năm 2008. Sau 16 năm hình thành, HCMIU đã có những phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được chất lượng và đẳng cấp trên bản đồ GDĐH trong nước và khu vực.
Theo TS Hồ Nhựt Quang – Phó Hiệu trưởng HCMIU, nhờ chính sách tự chủ, trường đã có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc quản lý và thu hút người tài trong và ngoài nước về trường. Từ đó, các thành tích của nhà trường tăng lên, danh tiếng cũng được củng cố, các đối tác uy tín của nhà trường cũng nhiều hơn.
Hiện nay tại HCMIU có 6 giảng viên cơ hữu là người nước ngoài đến từ Mỹ, Úc, Nhật (1GS, 4TS, 1 ThS) tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, lực lượng GV người nước ngoài đến trao đổi học thuật, tham gia thỉnh giảng tại HCMIU rất đông.
TS Bùi Thị Hồng Hạnh – Trưởng phòng Đối ngoại HCMIU, cho biết về cơ bản GV là người nước ngoài/ có quốc tịch nước ngoài làm việc cho trường được phân làm 2 nhóm. Nhóm 1 là GV cơ hữu ký hợp đồng làm toàn thời gian với trường theo mức lương thương lượng, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của GV và khả năng chi trả của trường (mức lương là thông tin bảo mật của trường).
Nhóm 2 là nhóm làm việc ngắn hạn cho trường, bao gồm GV thỉnh giảng (HCMIU có mức chi trả cho GV thỉnh giảng nước ngoài, theo học hàm, học vị của GV, mức này cũng là thông tin bảo mật) và GV, chuyên gia đến trường trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu theo các chương trình hợp tác do các tổ chức chính phủ, phi chính phủ tài trợ thông qua các dự án trao đổi giảng viên, phát triển nghiên cứu và giao lưu học thuật quốc tế giữa các trường ĐH nước ngoài với HCMIU hoặc giữa cá nhân GV quốc tế với GV của IU, nhóm này nhà trường không cần chi trả lương hay phụ cấp mà chỉ hỗ trợ cung cấp chỗ làm việc, phương tiện đi lại (đi chung xe với CBGV của trường), các điều kiện cần thiết khác để GV giảng dạy, nghiên cứu trong thời gian tại HCMIU.
Theo đại diện HCMIU, các GV/chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy/nghiên cứu tại trường là những người đầu ngành nghiên cứu, có trình độ giỏi và tâm huyết với giáo dục. Từ đó, góp phần đưa các thành tích của nhà trường tăng lên, danh tiếng cũng được củng cố, và các đối tác uy tín của nhà trường cũng nhiều hơn.
Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) chính thức tuyển dụng GV, nghiên cứu viên cơ hữu là người nước ngoài từ năm 2017. Hiện trường có 117 GV, nghiên cứu viên người nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Trong đó có 10 GV, nghiên cứu viên cơ hữu là người nước ngoài. TS Trần Mai Đông – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (UEH), cho biết trường áp dụng chính sách sử dụng GV thỉnh giảng nước ngoài hơn 20 năm nay.
Chia sẻ về mức lương của các đối tượng này, TS Trần Mai Đông cho biết, tùy KPI của từng người mà trường có thỏa thuận mức lương khác nhau; đối với giám đốc học thuật, NCKH thì có chuẩn mức lương riêng. Nhà trường đã có quy định về cơ chế chính sách riêng dành cho GV, nghiên cứu viên cơ hữu là người nước ngoài.
Theo đại diện UEH, hiệu quả khi sử dụng đội ngũ GV, chuyên gia nước ngoài công tác tại trường giúp tạo động lực về phát triển NCKH, đồng thời là một kênh chia sẻ hiệu quả về NCKH, nâng cao nghiệp vụ, hội thảo khoa học, kích thích tình trạng nói tiếng Anh tại các đơn vị, tạo network cho GV các khoa trong trường
Hình thức tuyển dụng đội ngũ GV, NCKH là người nước ngoài chủ yếu dựa trên các yếu tố: Đăng thông báo; Hồ sơ NCKH của nhà khoa học; Đề xuất của khoa; Thông qua sự giới thiệu các tổ chức như Bộ GD&ĐT, Hội Việt Kiều…
Khó trong việc xác nhận thâm niên công tác
“Tôi có thể dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu nên hiệu quả rất cao. Cộng đồng các nhà khoa học của TDTU cũng lớn và quan hệ với nhau tốt, điều này giúp cho công việc nghiên cứu của từng cá nhân được hỗ trợ tốt hơn. Việc tài trợ cho các dự án cũng được thực hiện rất tốt. Nói chung, tôi chỉ việc tập trung nghiên cứu để cho ra kết quả tốt nhất. Tôi có tham khảo điều kiện làm việc tại một số quốc gia và cuối cùng tôi chọn Việt Nam. Tôi hoàn toàn hài lòng với thu nhập và môi trường làm việc ở đây!”, TS Dileep Kumar - Giáo sư trợ lý, Nghiên cứu viên Viện Khoa học tính toán (INCOS) TDTU chia sẻ.
Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh trong những năm qua, từ 12.602 lao động năm 2004 đến nay đã tăng lên gần 84.000 người. Lao động nước ngoài đến từ 74 quốc gia, trong đó, người lao động châu Á chiếm 58%, người châu Âu chiếm 28.5%, còn lại là các châu lục khác.
Hiện nay, ở các trường ĐH công lập và tư thục có nhiều GV nước ngoài tham gia giảng dạy nhiều ở lĩnh vực ngôn ngữ và các ngành học có liên kết với các cơ sở GDĐH nước ngoài. Một số GV nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở GDĐH theo hình thức trao dổi văn hóa, giáo dục có sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao.
Chẳng hạn, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) hiện có 2 GV là người Hàn Quốc đang giảng dạy tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc và hướng dẫn SV NCKH tại khoa Đông phương. Đây là chương trình được sự hỗ trợ của tổ chức KOICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc), nhà trường không phải trả lương cho GV. Hay tại Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Văn Lang hiện có 5 GV người Hàn Quốc và Pháp chuyên ngành về Thiết kế đồ họa theo chương trình trao đổi hợp tác với tổ chức phi chính phủ National Reseach Foundation (NRF – Hàn Quốc).
Việc sử dụng lao động là người nước ngoài tại các trường ĐH phải theo đúng các quy định của Luật Lao động, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hàng loạt các văn bản dưới luật khác. Trong đó liên quan đến giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngày 3/2/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Nghị định số 11/2016/NĐ-CP về sử dụng người lao động nước ngoài đã có nhiều điều chỉnh cải tiến nhiều hơn so với Nghị định 102/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH trước đây. Tuy nhiên, nhiều cơ sở GDĐH vẫn cảm thấy còn nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đúng các nội dung quy định.
Theo quy định tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, người lao động nước ngoài được xem là chuyên gia khi đáp ứng một trong hai điều kiện: Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Một số chuyên gia, GV là người nước ngoài mặc dù giảng dạy hơn 10 năm nhưng rất lúng túng trong việc xác nhận thâm niên công tác.
Một GV người Hà Lan đang công tác tại một trường ĐH ở TPHCM bày tỏ ở các nước tiên tiến, chính phủ khuyến khích giáo viên có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực mà họ sẽ giảng dạy để có thể truyền tải các kiến thức và kinh nghiệm thực tế nhất cho học sinh chứ không đòi hỏi như một số quy định tại Việt Nam.
Theo thông tin chung mà chúng tôi thu thập được từ nhiều cơ sở GDĐH, việc xin giấy phép, visa để GV, chuyên gia là người nước ngoài làm việc tại trường phải tốn nhiều thời gian trung bình từ 3 - 4 tháng để hoàn tất các thủ tục với sở Ngoại vụ, lãnh sự quán, Sở LĐ,TB&XH…
“Thông thường người nước ngoài không thể tự xin giấy phép lao động mà đơn vị tuyển dụng phải làm thủ tục này. Theo quy định trường phải làm công văn gửi Sở LĐ,TB&XH giải trình chứng minh khối lượng công việc, vì sao cần phải sử dụng lao động nước ngoài ở vị trí đó... Sau đó phải chờ một thời gian khá dài khoảng 3 tháng, vì phải thông qua một số đơn vị chức năng. Trong khi người lao động đâu thể chờ trả lời từ đơn vị tuyển dụng lâu như vậy. Do đó, trường gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển giảng viên nước ngoài” - đại diện một trường ĐH chia sẻ.
TS Trần Mai Đông – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (UEH) chia sẻ, vừa qua trường được Chính phủ chọn vào nhóm 3 trường ĐH (ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội) thí điểm mở rộng quyền tự chủ nên một số thủ tục được giảm nhẹ. Theo đó, các trường diện này sẽ được mở rộng quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công, giấy phép cho lao động nước ngoài, kéo dài tuổi hưu của chủ tịch hội đồng trường... Nên cũng giảm nhiều vướng mắc về quy định.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xu-the-hoi-nhap-trong-dao-tao-nhan-luc-4035367-b.html