Xuân trong cảm thức của nhạc sĩ quân hàm xanh

Mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà, thức dậy mọi cuộc đời, làm đẹp tươi đất nước. Người ta thường nói mùa xuân là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, mùa của yêu thương. Với những nhạc sĩ quân hàm xanh, mùa xuân không chỉ khơi gợi cảm xúc sáng tác, mà còn cho ta thấy hình ảnh của những người chiến sĩ Biên phòng quên mình vì nhân dân ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhạc sĩ - Trung tá Nguyễn Tuấn Anh.

Nhạc sĩ - Trung tá Nguyễn Tuấn Anh.

Mùa xuân đến, trong khi người người, nhà nhà quây quần vui Tết, đón xuân thì ở các tuyến biên giới, những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn đêm ngày âm thầm làm nhiệm vụ. Tạm gác niềm vui riêng, sự đoàn tụ, sum họp bên gia đình để đón Tết, họ nắm chắc tay súng để giữ gìn bình yên cho Tổ quốc. Những khúc ca xuân của các nhạc sĩ quân hàm xanh đã thể hiện cung bậc cảm xúc khác nhau trước mùa xuân của đất trời vạn vật, của đất nước, dân tộc.

Tôi biết Trung tá nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Đoàn văn công BĐBP qua những tác phẩm âm nhạc đậm chất lính. Trong cương vị Phó Trưởng Đoàn văn công BĐBP, anh thường xuyên có những chuyến công tác dẫn Đoàn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo. Điều đó đã mang đến cho anh cảm xúc sâu sắc, là nguồn cảm hứng để anh viết nên những tác phẩm âm nhạc có sức lan tỏa. Có lẽ vì thế mà những nhạc phẩm của Nguyễn Tuấn Anh nghe rất lạ, có sự giao thoa của kỹ thuật thanh nhạc thính phòng và những âm hưởng của các giai điệu dân ca miền núi phía Bắc.

Nói đến sáng tác về mùa xuân gắn với người lính, Nguyễn Tuấn Anh có "Kiểm toán viên và chiến sĩ Biên phòng". Bài hát được Nguyễn Tuấn Anh sáng tác trong chuyến hành trình cùng đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến với BĐBP Lào Cai năm 2008.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: "Có một sự tương đồng giữa công việc cần mẫn, thầm lặng của cán bộ KTNN với những người lính Biên phòng đang ngày đêm tuần tra nơi biên giới. Những cảm nhận ấy và gợi ý của bạn bè trong đội văn nghệ KTNN đã giúp tôi xây dựng ý tưởng, hoàn thành tác phẩm chỉ trong thời gian ngắn".

Bài hát mở đầu với giai điệu hơi nhanh, tươi vui: "Biên cương mùa xuân sang/ Hương rừng khoe sắc mới/ Anh đi trong yêu thương, bước tuần tra biên giới/ Suối róc rách tự tình/ Lời gió núi thì thầm/ Sao mai sáng lung linh trước bình minh biên giới". Người nghe đã hình dung ra hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi biên giới nhưng trong lòng vẫn đầy sắc xuân, xuân của đất trời, xuân của dân tộc. Ta thấy mùa xuân biên cương hiện lên thật đẹp, thật vui. Anh bộ đội thêm tuổi mới càng thêm sung sức, hăng say, lạc quan với nhiệm vụ. Tuy những người lính phải gác lại sự đoàn tụ, sum họp gia đình để đón Tết nơi biên cương, nhưng các anh không đơn độc bởi còn có những đồng chí, đồng đội và cả hậu phương đang hướng về các anh trong tình quân dân thắm thiết.

Người chiến sĩ Biên phòng và Kiểm toán viên Nhà nước, hai con người ở hai "trận tuyến" khác nhau nhưng lại gặp gỡ và đồng điệu trong tâm hồn. Với những cán bộ KTNN - những con người tưởng như khô khan với những báo cáo, con số, chỉ có tình yêu mãnh liệt với đất nước, với thiên nhiên mới có thể giúp họ vững tâm hoàn thành nhiệm vụ. Và cũng chỉ có lòng lạc quan, yêu đời mới giúp KTNN cũng như những người lính Biên phòng vững vàng trên mọi trận tuyến. Hai con người trên hai trận tuyến khác nhau nhưng rõ ràng gặp nhau ở cùng một mục đích, cùng phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.

Đoạn kết của tác phẩm chính là tâm tư, tình cảm, niềm tin của chiến sĩ Biên phòng và Kiểm toán viên Nhà nước: "Dài năm tháng ta đi/ Cho mùa xuân đất nước/ Trọn tình yêu quê hương/ Anh đi giữ Biên cương/ Mùa xuân em ngóng đợi/ Tin vui từng con số/ Vang xa từng khúc hát/ Thiết tha yêu cuộc đời". Sự lãng mạn, đồng điệu trong tâm hồn người lính Biên phòng và cô gái kiểm toán của KTNN được hóa thân thành tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước. Họ đồng hành với nhau để chắp cánh cho những mùa xuân đất nước thêm tươi đẹp.

Nhạc sĩ - Trung úy Lê Đức Trí. Ảnh: CTV

Nhạc sĩ - Trung úy Lê Đức Trí. Ảnh: CTV

Với Trung úy Lê Đức Trí, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Văn hóa (TT-VH) BĐBP Quảng Bình, tuy hiện nay anh đã có trong tay số lượng kha khá ca khúc về người lính, biên cương Tổ quốc, nhưng ca khúc "Gió biên thùy" vẫn là tác phẩm đáng chú ý nhất, bởi được Cục Chính trị BĐBP chọn in vào cuốn "28 ca khúc đặc sắc viết về người lính Biên phòng" (năm 2010).

Con đường sáng tác đến với Lê Đức Trí thật tình cờ. Nhiều bài hát được anh sáng tác từ những chuyến công tác trên biên giới. Lê Đức Trí tâm sự: "Lúc đầu, mình cũng chỉ viết vì đam mê, nghĩ là sẽ giữ làm "của riêng", nhưng có lúc "kẹt", mình "liều" cho anh em trong đội tập, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biên giới. Rồi được mọi người ghi nhận, đánh giá cao nên mình có thêm động lực cho ra đời những ca khúc mới".

"Gió biên thùy" là một khúc ca xuân tươi đẹp qua cảm nhận của người chiến sĩ Biên phòng trước mùa xuân biên giới. Ca khúc được sáng tác cuối năm 2009, trong một chuyến công tác trên biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình. Hồi ấy, Lê Đức Trí mới là Thiếu úy, được cử về công tác tại BĐBP Quảng Bình. Cảm xúc trong chuyến công tác biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình đã giúp Lê Đức Trí hoàn thành bài hát một cách nhanh chóng. Bài hát mở ra khung trời biên giới với nắng gió và "núi trập trùng cao vợi, thu vào trong ánh mắt", với người lính "rong ruổi bước chân, mải miết đường tuần tra biên giới".

Lê Đức Trí tâm sự: "Cảnh vật, con người ở vùng biên cho mình nhiều cảm xúc đặc biệt. Mình chỉ ghi lại những cảm nhận rất riêng nên lời bài hát nghe rất thật, rất dễ nhớ". Với Thiếu úy Lê Đức Trí, mùa xuân, mùa của sự sống là sự tươi mới, ấm áp của tình yêu quê hương, đất nước. Bài hát với giai điệu, ca từ rộn rã có nhiều cung bậc rất đỗi riêng tư: "Gió biên thùy gõ cửa mùa xuân, gọi hồn biển hòa vào sông núi/ Thức lời ru trong từng bản vắng/ Thức khoảng trời nở tiếng chim ca".

Và như không kìm được nguồn cảm xúc đang ào ạt dâng trào trong lòng, Thiếu úy Lê Đức Trí đã thốt lên: "Ôi! Màu xanh bừng lên sắc lá, rung nhịp thở trong ta, in dấu xưa xuyên dặm dài đất nước, rạo rực ban mai, rạo rực lửa tâm hồn". Đến đây, mùa xuân chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, sự bừng dậy của tình yêu đất nước trong lòng người chiến sĩ Biên phòng.

Những khúc ca xuân ấy cho ta thấy hình ảnh con người Việt Nam trong đời sống, chiến đấu thật bình dị mà đẹp đẽ biết bao. Dù ở cung bậc nào thì những khúc ca xuân ấy đều đem lại cảm xúc tươi mới cho người nghe, làm phong phú thêm vườn xuân của nền âm nhạc dân tộc Viêt Nam.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuan-trong-cam-thuc-cua-nhac-si-quan-ham-xanh/