Xuất hiện nhiều căn bệnh nguy hiểm do chứng nghiện rượu

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm tụy mạn là bệnh người nghiện rượu hay mắc phải.

Các trường hợp mắc bệnh này người nghiện rượu chiếm tới khoảng 90% các trường hợp.

Rượu gây kết tủa và làm tăng độ nhớt của dịch tiết tuyến tụy, dẫn đến sự phát triển của các nút protein trong các ống dẫn nhỏ của tụy, sau đó hình thành sỏi gây viêm và xơ hóa tiến triển, dẫn đến hủy hoại tế bào tụy ngoại tiết, tế bào hình sao và tế bào biểu mô ống tụy.

Rượu cũng dẫn đến kích hoạt sớm trypsinogen và các enzym tiêu hóa khác trong chính các tế bào tụy ngoại tiết, điều này dẫn tới quá trình tự phá hủy trong nhu mô tụy dẫn đến tình trạng viêm tụy.

Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như đột biến gen, tắc hẹp ống tụy, tăng triglyceride máu, tăng canxi máu, viêm tụy tự miễn… Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân gọi là viêm tụy tự phát.

Viêm tụy mạn được coi là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tụy, tỷ lệ xuất hiện ung thư tụy ở bệnh nhân viêm tụy mạn là 1,8 - 3% sau 10 năm và 4% sau 20 năm.

Nhiều nghiên cứu nguy cơ ung thư tụy cao gấp 16 lần ở bệnh nhân viêm tụy mạn.

Khi viêm tụy tái phát nhiều lần gây ra tái tạo tế bào, dẫn đến viêm mạn tính, làm mất chức năng tế bào, phá hủy tuyến và làm tăng quá trình tân tạo tế bào.

Việc tăng số lượng tế bào biểu mô ống tụy là yếu tố quan trọng hình thành ung thư tụy. Ung thư tụy có tiên lượng rất xấu, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và giảm được tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ, tỷ lệ sống sau 1 năm 68%, 2 năm 46,7% và 5 năm là 18,7%.

Hằng năm, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp viêm tụy mạn. Gần nhất có một trường hợp viêm tụy mạn, sỏi tụy với hậu quả là đau bụng kéo dài và 1 trường hợp viêm tụy mạn có biến chứng ung thư tụy; cả 2 trường hợp đều có liên quan đến lạm dụng bia rượu.

Bệnh nhân nam N.V.B 50 tuổi, có thói quen uống rượu từ năm 20 tuổi, mỗi ngày trung bình 150ml.

Đợt này anh B thấy đau bụng âm ỉ quanh rốn, thượng vị, ở nhà tự mua thuốc giảm đau không đỡ. Một tháng gần đây, anh đau bụng tăng lên kèm ăn uống kém.

Qua bạn bè giới thiệu, anh B đến khám tại phòng khám của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy. Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh nhu mô tụy teo nhỏ, ống tụy giãn 1 cm và trong có rất nhiều sỏi.

Người bệnh được chẩn đoán sỏi tụy/viêm tụy mạn - nghiện rượu và được phẫu thuật theo phương pháp Frey (mở dọc ống tụy từ đầu đến đuôi tụy, lấy tổ chức đầu tụy sinh thiết, nối tụy ruột). Sau mổ, bệnh nhân được sử dụng hệ thống giảm đau, kết hợp vận động sớm sau mổ và can thiệp dinh dưỡng.

Bệnh nhân B được ra viện sau 7 ngày phẫu thuật. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau bụng, ăn uống sinh hoạt bình thường, đã bỏ rượu theo tư vấn của bác sĩ.

Cũng theo các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân P.T.N nam 38 tuổi, cũng có thói quen sử dụng rượu sớm từ năm 16 tuổi kèm theo hút thuốc lá mỗi ngày trung bình 1 bao.

Cách vào viện một tháng, anh N xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ kèm theo vàng mắt, vàng da tăng dần, gầy sút 5 kg trong vòng 1 tháng.

Anh N đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và được chẩn đoán là tắc mật do viêm tụy mạn.

Sau một thời gian điều trị nội khoa nhưng tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình tìm hiểu thông tin và đã đến phòng khám Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy.

Người bệnh P.T.N vào viện với thể trạng gầy, da niêm mạc vàng đậm, đau nhiều thượng vị lan sau lưng, ăn uống kém.

Trên cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính cùng với siêu âm nội soi (2 lần) đều cho thấy có hình ảnh giãn ống tụy, sỏi tụy, giãn đường mật trong và ngoài gan, không rõ khối vùng đầu tụy.

Các bác sĩ cho rằng, viêm tụy mạn thường tiến triển âm thầm, khi phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn.

Vì vậy, cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ như tiểu đường, kém hấp thu, bệnh nhân uống rượu nhiều năm...

Khi phát hiện ra bệnh nên điều trị hoặc khám theo dõi tại các cơ sở chuyên khoa. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Phẫu thuật tuy không phải phương pháp thường xuyên được áp dụng để điều trị viêm tụy mạn nhưng chỉ định mổ được đặt ra khi viêm tụy mạn gây ra các biến chứng về cơ học như giãn ống tụy, tắc mật, hẹp môn vị, chèn ép bó mạch mạc treo tràng trên hoặc có khối không loại trừ ung thư.

Chỉ định mổ ở thời điểm và bệnh cảnh hợp lý giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm nguy cơ tiến triến tổn thương nhu mô tụy.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuat-hien-nhieu-can-benh-nguy-hiem-do-chung-nghien-ruou-post247147.html