Xuất khẩu cà phê bất ngờ vượt thủy sản, thu về 1,38 tỷ USD chỉ sau 2 tháng
Lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt qua thủy sản để đứng top 2 trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, xuất khẩu loại hạt này thu về 1,38 tỷ USD chỉ trong 2 tháng đầu năm.
Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, tháng 2 vừa qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế đến hết tháng 2/2024, các nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%. Xuất siêu toàn ngành đạt 2,68 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng mạnh như: nông sản thu về 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; lâm sản 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản 1,37 tỷ USD, tăng 28,9%; hàng rau quả 970 triệu USD, tăng 72,8%; gạo 708 triệu USD, tăng 49,8%, hạt điều 595 triệu USD, tăng 68,2%...
Trong 2 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu cà phê bất ngờ vượt qua thủy sản khi đạt 1,38 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cà phê vượt qua thủy sản, vươn lên đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, giá gạo đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
Riêng giá hạt điều 5.405 USD/tấn, giảm 6%; sắn và sản phẩm sắn giá xuất khẩu đạt 259 USD/tấn, giảm 2,8%…
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 47,9%, chiếm 21%; sang Nhật Bản tăng 29,2%, chiếm 7,2%.
Trao đổi về thị trường xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, các hoạt động xuất khẩu gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản có dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo sự hồi phục này là bền vững và không chỉ là một chu kỳ tạm thời trong nhu cầu thực phẩm trên các thị trường lớn.
Riêng về thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Tiến nhìn nhận còn nhiều tiềm năng mở rộng hoạt động xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai thương mại cho các mặt hàng như thịt, quả dừa và sầu riêng đông lạnh.
Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành đàm phán để mở cửa thêm cho thủy sản và dưa hấu, phát huy lợi thế địa lý. Đồng thời, phát triển cửa khẩu thông minh và mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ cũng cần tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển nông sản sang Trung Quốc, giảm thiểu chi phí logistics và tăng cường thu nhập cho người nông dân.