Xuất khẩu cà phê hướng tới kỷ lục mới
Lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD, tức là sẽ vẫn lập được mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch so với năm ngoái.
Giá xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm tăng 10%
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2023 ước tính đạt 65.000 tấn, trị giá 205 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với tháng 8/2023, so với tháng 9/2022 giảm 32,7% về lượng và giảm 12,8% về trị giá.
Quý III/2023, Việt Nam xuất khẩu 259.000 tấn, đạt 774 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá, theo Bộ Công Thương, ước tính tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.151 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2023 và tăng 29,6% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, đến ngày 11/10, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hồi phục nhẹ 100 đồng/kg, kết thúc chuỗi giảm sâu 7 ngày liên tiếp. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua quanh mức 63.300 – 63.900 đồng/kg.
Triển vọng quý IV/2023
Trong 9 ngày đầu tháng 10/2023, diễn biến giá cà phê trên thị trường thế giới và tại Việt Nam có xu hướng giảm so với cuối tháng 9/2023. Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 2 - 8/10, tính chung cả tuần 40, sàn giao dịch Cà phê London có 5 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm tất cả 103 USD, tức giảm 4,18 %, xuống 2.359 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm 89 USD, còn 2.280 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh.
Trong khi đó, thị trường New York có 3 phiên giảm giữa tuần và 2 phiên tăng ở đầu và cuối tuần. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 0,10 cent, tức giảm 0,07 %, xuống 146,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 1/2024 không thay đổi, vẫn đứng ở mức 147,20 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ.
Từ suy đoán Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) sẽ mạnh tay tại phiên họp điều hành chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2023, đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ mạnh tay thanh lý vị thế ròng trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn, đã làm giá giảm sâu.
Cùng gây áp lực lên giá cà phê, đồng Reais của Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng so với USD, đã khuyến khích các nhà xuất khẩu Brazil tăng cường bán cà phê. Theo Chính phủ Brazil, trong tháng 9/2023, nước này đã xuất khẩu 177.685 tấn cà phê nhân (2,69 triệu bao loại 60kg), tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức cà phê xuất khẩu chững lại so với mức 197.471 tấn đã xuất đi vào tháng 8/2023. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/Brazil Real tiếp tục tăng thêm hơn 2% trong tuần vừa qua. Chênh lệch tỷ giá gia tăng đã kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil do thu về nhiều nội tệ hơn.
Hiện tại những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân tại Việt Nam cũng đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo Vneconomy, các nhận định trên thế giới đều cho rằng, triển vọng ngành hàng cà phê vẫn rất sáng sủa trong năm 2024 và nhiều năm tới. Tồn kho cà phê Robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Sáu (ngày 6/10/2023) đã giảm 750 tấn, tức giảm 1,75 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 42.030 tấn (khoảng 700.500 bao, bao 60 kg). Lượng hàng tồn kho giảm sẽ góp phần hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn trên các sàn cà phê thế giới không giảm sâu trong 3 tháng cuối năm nay.
Nhận định về ngành hàng cà phê trong lâu dài, CNN (Mạng truyền hình cáp tại Hoa Kỳ) trích ý kiến của một số chuyên gia cho rằng đến năm 2050, nhiệt độ tăng có thể làm giảm tới 50% diện tích thích hợp để trồng cây cà phê trên thế giới.
CNBC bình luận: Hiện tượng thời tiết El Nino đang khiến các nước sản xuất hạt cà phê Robusta như Việt Nam hay Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Robusta chiếm 40% sản lượng cà phê toàn cầu. Còn hạt Arabica vốn được coi là chất lượng tốt hơn với giá cao hơn, chiếm tới 60% đang được trồng nhiều ở khu vực Mỹ Latinh cũng bị đe dọa. Sản lượng cà phê giảm sút, sẽ khiến giá cà phê tiếp tục tăng cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cà phê Việt cần nhanh “đổi vị” theo thị trường
Theo Báo Chính phủ, muốn tăng được kim ngạch thì phải tăng được giá trị cho cà phê, phải định vị lại dòng sản phẩm và nắm bắt xu thế của thị trường. Trước hết là tại 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới chiếm đến 50% tổng nhập khẩu của toàn cầu là Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Đây cũng hai thị trường mục tiêu và lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hiện nay “khẩu vị” nhập khẩu cà phê của 2 thị trường lớn đang có sự chuyển dịch từ nhập khẩu cà phê Robusta dạng hạt sang cà phê đã qua chế biến.
Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào cà phê Arabica và giảm dần hoạt động nhập khẩu Robusta, từ mức 6,1 triệu bao loại 60kg (366.000 tấn) trong niên vụ 2011/12 xuống còn 3,6 triệu bao trong niên vụ 2020/21. Cùng với đó, tỷ trọng nhập khẩu cà phê qua chế biến tăng từ 3,1% trong niên vụ 2018/19 lên 6,4% trong ước tính niên vụ 2023/24. Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), tại EU, tỉ lệ này cũng tăng từ 2,3% trong năm 2017 lên 5,5% vào năm 2021.
Dữ liệu của hải quan Việt Nam lại cho thấy xuất khẩu Robusta dạng hạt của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay sang Mỹ đã ít đi rõ rệt, từ hơn 130.200 tấn năm 2018 xuống khoảng 90.500 tấn năm 2023, tức là giảm 27%.
Do chưa nhanh nhạy với sự thay đổi "khẩu vị" của bạn hàng lớn Mỹ là giảm nhập Robusta, tăng tỷ trọng sản phẩm cà phê qua chế biến nên theo thống kê của USDA, 90% cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam niên vụ 2022/23 vẫn là cà phê thô dạng hạt, gần như không đổi so với 5 năm trước.
Hương Anh (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-ca-phe-huong-toi-ky-luc-moi-a630663.html