Xuất khẩu gạo: Giảm giá để cạnh tranh?
Chỉ trong vòng 1 tuần, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam bất ngờ 'bốc hơi' tới 20 USD/tấn. Mặc dù giá giảm mạnh song theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì sự sụt giảm này nhằm giúp gạo Việt 'dễ bán' hơn và việc giảm giá chỉ diễn ra với gạo ở phân khúc gạo cấp thấp.
Giảm giá để cạnh tranh
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kể từ phiên giao dịch ngày 29/3 tới nay giá xuất khẩu gạo đã giảm mạnh 20 USD/tấn. Như vậy, sau khi thiết lập đỉnh giá cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, tới nay giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đã giảm mạnh xuống ở mức 498-502 USD/tấn; gạo trắng 25% tấm ở mức 473-477 USD/tấn và gạo 100% tấm là 428-432 USD/tấn.
Được biết, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 490-494 USD/tấn còn Ấn Độ là 408-412 USD/tấn. Theo Reuters, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua phần lớn là do giá trong nước và tỷ giá hối đoái giảm, do đồng baht của Thái Lan đã suy yếu 3,5% so với đô la Mỹ kể từ đầu tháng 3/2021, còn với Ấn Độ giá đã được điều chỉnh để phản ánh sự sụt giảm của đồng rupee Ấn Độ.
Chính vì thế việc các thương nhân xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh giá chào bán giảm được nhìn nhận là để dễ cạnh tranh hơn. Về vấn đề này, ông Phan Văn Có- Giám đốc Công ty TNHH Vrice phân tích: Liên tục gần đây giá gạo Việt chào bán luôn ở mức cao hơn so với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ. Điều này dẫn tới việc khó cạnh tranh bởi lẽ các nhà nhập khẩu đang chuyển sang Ấn Độ để mua gạo trắng thường 5% tấm, mặc dù họ vẫn đang mua gạo thơm từ Việt Nam.
Lý giải cụ thể, ông Có cho biết, gạo Ấn Độ giá rẻ, chất lượng ổn định, chưa kể chi phí vận chuyển từ Ấn Độ đi Châu Phi có giá cũng rẻ hơn từ Việt Nam. Đây cũng là điều dễ hiểu khi các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang mua gạo Ấn Độ để dự trữ. Trong khi đó, gạo Việt (gạo 5% tấm) giá quá cao so với thị trường quốc tế (cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với Ấn Độ), các chi phí liên quan đến vận tải cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao và khó cạnh tranh.
Mặc dù giá gạo chào bán giảm song theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV, giá gạo xuất khẩu hiện vẫn ở mức cao so với mặt bằng giá hiện nay và cao hơn nhiều so với năm ngoái. Do đó, việc giá giảm sẽ giúp gạo Việt cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh giá cước container cũng như cước vận chuyển tăng cao như hiện nay và nhà nhập khẩu sẽ phải chọn mức giá tốt nhất để nhập hàng.
Phân khúc cao khẳng định giá trị
Trong khi phân khúc gạo 5% tấm biến động mạnh thì ở phân khúc gạo cao cấp như Đài thơm, Jasmine, ST 24… được các thương nhân xuất khẩu khẳng định vẫn giữ giá ổn định. Ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An- cho biết: Các đơn hàng của Trung An vẫn duy trì mức giá cao từ 600 USD/tấn đến gần 1.000 USD/tấn và đều đặn xuất khẩu đi các thị trường. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp nắm bắt tốt thị hiếu thị trường để sản xuất trúng nhu cầu của khách hàng.
Tương tự, ông Phan Văn Có khẳng định, kể từ năm 2020 tới nay giá gạo thơm xuất khẩu đi các thị trường trong khối Liên minh Châu Âu hầu như không có biến động nhiều. “Chúng tôi đã làm ăn lâu dài với đối tác, thêm vào đó gạo Việt cũng tìm được phân khúc khách hàng ổn định từ nhiều năm nay nên việc xuất khẩu khá thuận lợi”- ông Có chia sẻ.
Cũng như Vrice, Công ty Phước Thành IV hiện xuất khẩu các sản phẩm gạo Đài thơm 8, OM 5451 cho các nước ở khu vực Châu Á và Trung Đông với giá tương đối tốt, trong đó gạo Đài thơm 8 được đối tác mua với giá 545-550 USD/tấn.
Theo ông Thành, sở dĩ tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao giữ giá tốt là do doanh nghiệp đã tạo được thói quen cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gạo chất lượng xuất xứ Việt Nam. Ông Thành cũng dự báo rằng, kể từ tháng 4/2021 thị trường xuất khẩu có thể sẽ sôi động hơn với lượng khách hàng hỏi mua gạo từ Việt Nam nhiều hơn so với quý I vừa qua.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3 cả nước xuất khẩu 203.320 tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 111 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, lượng gạo xuất khẩu đạt 858.605 tấn, kim ngạch hơn 470 triệu USD. Trị giá bình quân xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2021 đạt 548 USD/tấn, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ 2020 chỉ 464 USD/tấn). Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Singapore…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-giam-gia-de-canh-tranh-154572.html