Xuất khẩu gạo toàn cầu dự báo tăng nhờ nguồn cung cải thiện và giá giảm

Xuất khẩu gạo toàn cầu dự kiến tăng trong năm 2025 nhờ nhu cầu lớn hơn từ các thị trường châu Phi và châu Á sau khi Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu. Điều này giúp thị trường lúa gạo tăng nguồn cung và giá giảm, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Gạo Việt Nam nhập khẩu ở một cảng tại Manila, Philippines. Ảnh: msn.com

Gạo Việt Nam nhập khẩu ở một cảng tại Manila, Philippines. Ảnh: msn.com

Trong báo cáo triển vọng thị trường gạo công bố tuần trước, USDA nâng dự báo xuất khẩu khẩu gạo toàn cầu lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó. USDA giải thích, thương mại gạo toàn cầu cải thiện nhờ nguồn cung tăng và giá giảm sau khi Ấn Độ gần đây dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 14 tháng đối với gạo trắng phi basmati, xóa bỏ giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo basmati và giảm thuế xuất khẩu xuống 10% đối với lúa, gạo lứt và gạo đồ.

“Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào năm 2025 khi nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ tăng xuất khẩu và giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm”, báo cáo nêu rõ.

Theo USDA, Philippines có thể nhập khẩu khoảng 4,7 triệu tấn gạo trong năm nay. Số liệu này tăng so với ước tính trước đó là 4,6 triệu tấn, do nước này đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam.

Philippines dự kiến nhập khẩu gần 5 triệu tấn trong năm 2025 do sản lượng thu hoạch trong nước giảm và Ấn Độ quay trở lại thị trường gạo toàn cầu.

Với con số nhập khẩu này, Philippines sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm tới. Đứng ngay sau đó là Việt Nam và EU, với lượng nhập khẩu gạo (bao gồm thóc quy đổi ra gạo) ước tính lần lượt 2,9 triệu tấn và 2,2 triệu tấn.

Tính đến đầu tháng 10, Philippines đã nhập khẩu tổng cộng 3,29 triệu tấn gạo, tăng so con số 2,68 triệu tấn vào cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất (2,61 triệu tấn), tiếp theo là Thái Lan (416.000 tấn) và Pakistan (157.500 tấn)

Năm 2023, Philippines nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo, giảm 5,9% so với mức cao kỷ lục 3,82 triệu tấn ghi nhận vào năm 2022.

Trái với dự báo của USDA, Bộ Nông nghiệp Philippines cho rằng, nhập khẩu gạo trong năm 2024 khó có thể vượt quá khối lượng của năm ngoái.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr., việc Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu có thể giúp giảm giá gạo trong nước và toàn cầu.

Báo cáo USDA cũng dự đoán, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024- 2025 tăng lên mức kỷ lục 530,4 triệu tấn nhờ sản lượng cao hơn từ các nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Ai Cập, Guyana, Nicaragua và Venezuela.

Cũng theo USDA, trong niên vụ 2024-2025, nguồn cung gạo toàn cầu (tồn kho đầu niên vụ cộng với sản lượng) dự kiến đạt mức cao kỷ lục 710,3 triệu tấn, cao hơn 5,6 triệu đó so với dự báo trước đó.

Xuất gạo của Ấn Độ dự báo tăng 20%, lên 21 triệu tấn trong năm tới. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Brazil, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam dự kiến giảm

USDA ghi nhận, giá gạo xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn ở châu Á đang trên đà giảm sau khi Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu. Trong tuần kết thúc vào ngày 8-10, gạo 100% tấm loại B của Thái Lan được báo giá xuất khẩu ở mức 508 đô la Mỹ/ tấn, giảm 71 đô la so với tuần kết thúc vào ngày 10-9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 4-2023.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ Việt Nam giảm kể từ cuối tháng 9. Loại gạo này báo giá ở mức 550 đô la/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 8-10, giảm 30 đô la so với tuần kết thúc 24-9 và ở mức thấp nhất kể từ tháng 7-2023.

Trong một diễn biến khác, tờ Hindu Business Line đưa tin, chính phủ Ấn Độ dự kiến nới lỏng xuất khẩu gạo hơn nữa.

Theo các nguồn thạo tin, sau cuộc họp cấp bộ trưởng hôm 16-10, Ấn Độ quyết định sẽ hủy bỏ quy định áp giá xuất khẩu tối thiểu 490 đô la/tấn đối với gạo trắng phi bamasti và bỏ thuế xuất khẩu 10% đối với gạo đồ.

Lý do là tồn kho gạo trong nước đang quá lớn, trong khi công suất chứa của các nhà kho không còn nhiều. Điều đó sẽ khiến Tổng Công ty lương thực Ấn Độ khó có thể mua thêm gạo dự trữ trong niên vụ hiện tại.

Rajesh Jain Paharia, một nhà xuất khẩu gạo ở New Delhi, hoan nghênh quyết định trên vì cho rằng sẽ giúp các nhà xuất khẩu của Ấn Độ tăng sức cạnh tranh với các đối thủ khác ở châu Á.

Theo USDA.gov, Manila Times, Hindu Business Line

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-gao-toan-cau-du-bao-tang-nho-nguon-cung-cai-thien-va-gia-giam/