Xuất khẩu hàng hóa dự báo lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD

Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong quý IV/2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD.

Bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng có sắc màu tươi mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tính chung, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Đáng chú ý, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 263,47 tỷ USD, chiếm 87,9%.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, trong 9 tháng năm 2024, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 52,75 tỉ USD, tăng 27,3%; điện thoại và linh kiện ước đạt 41,78 tỉ USD, tăng 6,9%; hàng dệt may ước đạt 27,35 tỉ USD, tăng 9,0%; giày dép ước đạt 16,6 tỉ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,61 tỉ USD, tăng 20,7%; thủy sản ước đạt 7,23 tỉ USD, tăng 9,5%; rau quả ước đạt 5,67 tỉ USD, tăng 34,7%.

Đặc biệt, ghi nhận có 7 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD, gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Điện thoại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng. Có 11 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ USD và có 31 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Hữu Yên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) - chia sẻ, thị trường năm nay sôi động hơn so với năm trước nên đến tháng 9/2024, lượng đơn hàng tại Intech Group đã tăng 30% so với năm trước và đáp ứng đủ công suất đến tháng 11/2024. Thời gian này, Công ty còn phải bố trí nhân sự làm thêm và phân bố kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo đơn hàng. Lượng đơn hàng của Intech Group hiện có 70% là gia công sản xuất cho các đối tác trong nước, trong đó chủ yếu là đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc… còn lại để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh cho hay, lượng đơn hàng của doanh nghiệp đã đủ đến tháng 12/2024, trong đó lượng đơn hàng xuất khẩu chiếm khoảng 20% doanh thu, cùng với đó là cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thăng - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO), tình hình doanh thu và nhu cầu thị trường cuối năm 2024 đang có nhiều cải thiện, trong đó TYGICO đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các hiệp hội ngành nghề để có thể hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp và đối tác.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm có sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,4% của khu vực FDI.

Ngoại trừ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2024 biến động tăng, giảm do yếu tố “mùa vụ”, bức tranh xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 9 tháng ghi dấu ấn đậm nét với kim ngạch xuất khẩu bình quân những tháng sau cao hơn những tháng trước.

"Bình quân một tháng trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,29 tỷ USD, cao hơn 1,52 tỷ USD so với bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm 2024. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong quý IV/2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD, vượt mốc 371,82 tỷ USD của năm 2022", ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Trợ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt

Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm 2024 xuất siêu 20,79 tỷ USD, giảm 0,53% so với mức xuất siêu 20,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 38,17 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm 2024 xuất khẩu dịch vụ ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu dịch vụ ước đạt 26,6 tỷ USD tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu dịch vụ 9 tháng năm 2024 là 9,2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam cắt giảm lãi suất sẽ tác động tới tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD theo hướng nâng giá trị của VNĐ. Điều này có tác động thuận cho nhập khẩu và tác động nghịch cho xuất khẩu.

Thêm nữa, sản xuất trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, trong quý IV/2024 các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào cuối năm sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, có thể dẫn tới nhập siêu trong ba tháng cuối năm, làm suy giảm mức thặng dư của cán cân thương mại hàng hóa cả năm.

Năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 27,78 tỷ USD, góp phần rất quan trọng trong tăng trưởng GDP đạt 5,05%. Để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đóng góp cho tăng trưởng GDP cao hơn mức tăng của năm trước, khi đó cán cân thương mại cả năm 2024 phải xuất siêu vượt mức 27,78 tỷ USD của năm trước.

Để phát huy tối đa động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao nhất có thể.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-hang-hoa-du-bao-lap-moc-lich-su-khoang-400-ty-usd-350775.html