Xuất khẩu lao động vẫn là giải pháp đáng lựa chọn
Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp có hiệu quả để xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều lao động đã chọn con đường XKLĐ và đã thành công. Chỉ tính khoảng trong 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có hơn 11 ngàn lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài và đã gửi về cho gia đình với tổng số tiền ước hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là một khoản thu không nhỏ đã giúp người lao động và gia đình họ thay đổi cơ bản cuộc sống theo hướng tích cực. Hiện nay, tình hình COVID-19 đang diễn ra toàn cầu, nhưng các lao động của Việt Nam ở nước ngoài biết cách phòng, chống tốt nên vẫn làm việc an toàn và thu nhập đảm bảo.
Gia đình bà Phan Thị Tảo ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa có hai con là Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1997) và Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 2000) đi XKLĐ ở Nhật Bản từ năm 2019 thông qua Công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại Thái Bình, chi nhánh Quảng Trị (có trụ sở tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, Gio Linh). Hiện anh Hùng đang làm đơn mộc công xưởng của Nghiệp đoàn Lumbertec ở tỉnh Saitama; còn chị Ngọc đang làm công việc chế biến thịt gà trong nhà xưởng của Nghiệp đoàn Eandoefu, tỉnh Kagoshima. Lương mỗi tháng của anh Hùng và chị Ngọc khoảng từ 40- 50 triệu đồng. Sau khi chi phí các khoản ăn, ở, số tiền tích lũy được anh Hùng và chị Ngọc đều gửi về cho gia đình. Từ nguồn tiền các con gửi về, ngoài phần trả nợ, gia đình bà Tảo sửa sang lại nhà cửa, tích lũy vốn làm ăn… Bà Tảo cho biết, từ ngày có con gửi tiền về, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể. Bà có thêm vốn làm ăn nên gia đình khấm khá hơn nhiều. Đối với bà Tảo, việc đi XKLĐ của các con bà là sự lựa chọn đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi lao động ở nước ngoài đã mang về nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ gia đình, qua đó cũng góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng quê của tỉnh Quảng Trị những năm trở lại đây. Xác định XKLĐ là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho gia đình và địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua, các địa phương, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động XKLĐ. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra COVID- 19, mặc dù công tác XKLĐ có phần ngừng lại nhưng các công ty dịch vụ việc làm vẫn tiếp tục nhiệm vụ đào tạo tiếng và một số kỹ năng sống ở nước ngoài cho lao động có nhu cầu đi XKLĐ để đón thời điểm thuận lợi sẽ XKLĐ.
Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ việc làm cũng vẫn thường xuyên liên lạc với các lao động đang làm việc ở nước ngoài để nắm tình hình lao động, việc làm, thu nhập và đặc biệt là việc thực hiện phòng, chống COVID-19 ở các nước sở tại, các công ty có lao động Việt Nam làm việc để có kế hoạch, giải pháp XKLĐ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế, Giám đốc Công ty TNHH hợp tác lao động và thương mại Thái Bình - chi nhánh Quảng Trị cho biết: “Công ty có thế mạnh về XKLĐ tại Nhật Bản những năm gần đây, nhất là tạo cho người lao động ăn, ở, học tiếng tập trung tại Quảng Trị, ít chi phí, tập trung vào đối tượng thanh niên nông thôn miền núi. Các lao động ra nước ngoài làm việc khi cần thiết vẫn liên lạc với công ty để có sự hỗ trợ”. Những lao động đã đến Nhật Bản từ Công ty TNHH hợp tác lao động và thương mại Thái Bình - chi nhánh Quảng Trị hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản rất ổn định về việc làm, an toàn lao động, an toàn vệ sinh phòng dịch. Họ khá hài lòng với quyết định đi XKLĐ của mình và hoàn toàn yên tâm nơi làm việc với mức thu nhập hơn 40 triệu đồng/ tháng. Trước thực tế nguồn lao động dồi dào, nhu cầu người lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng, công tác XKLĐ được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược và quan trọng để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt tại các địa phương vùng núi, XKLĐ đã giúp cho một bộ phận không nhỏ người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Để nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo số lượng, chất lượng và phù hợp trong điều kiện phòng, chống COVID- 19 hiện nay, vấn đề quan tâm là tập trung chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm kiểm tra năng lực của các doanh nghiệp, tuyệt đối không để các doanh nghiệp không đủ năng lực hoạt động XKLĐ để tránh hậu quả cho người tham gia XKLĐ khi gặp phải vướng mắc ở nước ngoài. Kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người lao động trước khi cung ứng ra nước ngoài; mở rộng đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài…
Trong điều kiện hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng bởi COVID19 phải cắt giảm nhiều lao động thì việc lựa chọn XKLĐ ở các nước có các biện pháp phòng, chống COVID-19 tốt cũng là giải pháp cần tính tới để người lao động có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Và ngay từ bây giờ, người lao động cần sớm trang bị tiếng nước mình muốn đến làm việc và những kiến thức cần thiết khi sống ở nước ngoài để tham gia XKLĐ khi đủ điều kiện.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152702