Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khởi sắc về giá bán và thị trường
Với kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng vọt hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã thu hơn 9,8 tỷ USD. Đây là tín hiệu khởi sắc, thể hiện sự phục hồi đáng ghi nhận của các mặt hàng này. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục mở cửa và khơi thông thị trường, nhằm đảm bảo rằng sự hồi phục này là bền vững.
Giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng nông sản chính tăng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong tháng 2/2024, giá trị xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 16,5% so với tháng 1/2024. Tính chung 2 tháng, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản tăng cao, đạt 9,84 tỷ USD, tăng trên 50% (so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; chăn nuôi đạt 78 triệu USD, tăng 15,1%; đầu vào sản xuất 309 triệu USD, tăng 13,6%.
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị XK cao hơn cùng năm 2023 như sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59%; cà phê đạt 1,38 tỷ USD, tăng 85%; rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 72,8%; gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; hạt điều đạt 595 triệu USD, tăng 68,2%; tôm đạt 403 triệu USD, tăng 20,5%. Riêng cá tra XK chỉ đạt 224 triệu USD giảm 0,7%.
Đạt kết quả trên cũng do giá XK bình quân nhiều mặt hàng nông sản chính tăng. Ví dụ, gạo đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu đạt 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè đạt 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%...
Đáng chú ý, XK rau quả sang các thị trường nổi tiếng, khó tính, có yêu cầu chất lượng rất cao đều tăng trưởng mạnh mẽ như: Hàn Quốc tăng 121%, Mỹ tăng 83%, Australia tăng 75%, Nhật Bản tăng 53%. Việc XK hàng rau quả vào được các thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe đã khẳng định vị thế, chất lượng hàng rau quả Việt Nam và sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành hàng này trong năm nay.
2 tháng đầu năm 2024, cơ cấu thị trường XK có sự thay đổi khi Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn nhất (2,1 tỷ USD). Thị trường Trung Quốc xuống thứ hai (hơn 2 tỷ USD). Tiếp đến là thị trường Nhật Bản và Philippines, còn Hàn Quốc rơi xuống thứ năm. Thị trường châu Âu (EU) chiếm 42%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, từ cơ cấu thị trường cho thấy chất lượng nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được các thị trường cao cấp. Ví dụ, với thị trường Hoa Kỳ, EU đã có khởi động rất tốt. Điều này cho thấy sự phục hồi của các thị trường cũng như việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã gắn với thị trường chặt chẽ hơn.
Chủ động dự báo, mở rộng thị trường
Đánh giá thêm về tình hình XK nông, lâm, thủy sản, ông Phùng Đức Tiến cũng cho rằng các hoạt động XK gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của 2 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới với nhiều diễn biến còn khó lường, khó khăn về địa chính trị như xung đột trên Biển Đỏ, Nga - Ukraine. Điều này đòi hỏi sự chủ động trong dự báo với cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường như hiện nay để điều chỉnh một cách linh hoạt, đảm bảo thích ứng trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra để về về đích với nhiệm vụ tăng trưởng và XK năm 2024.
Để đảm bảo sự phục hồi trong XK bền vững, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK nông sản, thủy sản; triển khai các đề án thúc đẩy XK nông lâm thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Điển hình, hiện Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo Tập đoàn De Hues tập trung cho XK thịt gà vào thị trường Halal. Đây là một thị trường rất quan trọng với 2,2 tỷ người. Việc tập trung vào các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Halal sẽ giúp sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều phân khúc và thị trường mới.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Việt Nam có thể XK được 1.000 tấn thịt gà/tháng. Con số này sẽ đánh dấu bước chuyển mình của quá trình Việt Nam mở rộng thị trường XK. Ngoài ra, bộ cũng đã chỉ đạo ngành thủy sản tập trung xúc tiến, mở cửa thị trường Halal.
"Mặc dù đã XK đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng chúng ta phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù đặc biệt để các sản phẩm nông sản của Việt Nam đi được nhiều phân khúc, nhiều thị trường để doanh thu XK được nhiều hơn" - ông Tiến nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý thêm về thị trường Trung Quốc. Hiện, Việt Nam đang triển khai thương mại cho các mặt hàng như thịt, quả dừa và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng đối với nông sản của Việt Nam. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành đàm phán với Trung Quốc để có thêm mặt hàng được XK chính ngạch sang thị trường này.
Song song với mở rộng thị trường, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để đẩy mạnh XK hàng nông lâm thủy sản chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng XK mới; đồng thời, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm XK tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra trong năm 2024, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức các diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử… đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP.
2 tháng, nhập khẩu hơn 7,1 tỷ USD nông, lâm, thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 27,5%. Trong đó: nông sản 4,56 tỷ USD, tăng 31,4%; sản phẩm chăn nuôi 561 triệu USD, tăng 24,4%; thủy sản 456 triệu USD, tăng 9,3%; lâm sản 361 triệu USD, tăng 25,4%; đầu vào sản xuất 1,2 tỷ USD, tăng 23,5%.
Riêng muối 6,8 triệu USD, giảm 4,4%. Về thị trường, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ châu Mỹ tăng 20,3%, đạt 1,74 tỷ USD; châu Á tăng 26,9%, đạt 2 tỷ USD; châu Âu tăng 43%, đạt 324 triệu USD và châu Đại Dương tăng 34,3%, đạt 534 triệu USD. Riêng châu Phi giảm 20,6%, đạt 146 triệu USD.