Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I chiếm 41,5% thặng dư toàn ngành kinh tế
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 1/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 13 tỷ USD, xuất siêu 3,36 tỷ USD, chiếm gần 42% tổng giá trị thặng dư toàn ngành kinh tế.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin: 3 tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.
Tốc độ tăng giá trị nông lâm thủy sản quý I ước đạt 2,98% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nông nghiệp tăng 2,81%; lâm nghiệp tăng 4,08%, thủy sản tăng 3,46%.
Trao đổi với phóng viên về kết quả toàn ngành đạt được trong quý I, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Trong quý I, ngành nông nghiệp phải chịu áp lực rất lớn, đó là xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, những lô hàng bị các thị trường trả về.
Tuy nhiên, đó không phải là những điểm mang tính phổ quát. Do vậy mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng 2,98%, mức cao trong nhiều năm qua. Sản lượng lúa gạo đã đạt xấp xỉ 8 triệu tấn, tăng 2,1%. Chăn nuôi thì thịt các loại trên 2 triệu tấn, tăng 4,5%. Thủy sản đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 2,%; gỗ và lâm sản đạt 6,5 triệu m3, tăng 3,5%.
Về xuất khẩu chúng ta đã đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8%. Thặng dư thương mại là 3,36 tỷ, tăng 96,5% và chiếm 41,5% trong tổng giá trị thặng dư toàn ngành kinh tế.
Các ngành hàng có sự sụt giảm thì nay lại có dấu hiệu rất tích cực, đặc biệt là sự hỗ trợ của gói 15.000 tỷ mà ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp và thủy sản.
Tính chung 3 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.
Đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD: Gỗ 2,32 tỷ USD; Rau quả 1,23 tỷ USD; Gạo 1,37 tỷ USD; Cà phê 1,9 tỷ USD".
"Đây là những dấu hiệu tích cực để năm nay chúng ta có thể đạt tới 54-55 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng ở mức 2,8-3%", Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Tuy đạt được kết quả tốt trong quý I, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, ngành còn chịu tác động khó lường của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản còn nhiều phức tạp. Các sản phẩm nông nghiệp chế biến và chế biến sâu vẫn còn là bài toán với ngành.
Xét về thị trường, Trung Quốc, Mỹ và Nhận Bản vẫn là 3 đối tác lớn nhất của nông sản với tỷ trọng lần lượt chiếm 20,2%; 19,9% và 7%. Các mặt hàng trái dừa tươi, sầu riêng đông lạnh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và ngày 29 tới sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo nghị định thư đã ký kết trước đó.
Đặc biệt, trong tháng 5, Việt Nam sẽ xuất khẩu những lô sản phẩm nông nghiệp đầu tiên sang thị trường Halal. Đây là thị trường rất tiềm năng với 2,2 tỷ dân, và ngành nông nghiệp sẽ từng bước chinh phục thị trường này.