Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, khó vẫn phải làm
Thời gian tới, xuất khẩu nông sản vẫn hướng tới Trung Quốc. Có sự thay đổi đáng kể là nếu từ trước tới nay nông sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch thì thời gian tới sẽ qua đường chính ngạch và việc kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe hơn.
Chính vì vậy, nông dân và doanh nghiệp Việt đang nỗ lực thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu. Khó nhưng phải làm và làm cho được.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực
Là một trong những địa phương xuất khẩu chuối nhiều nhất nước, năm 2022, Đồng Nai xuất khẩu 400.000 tấn chuối sang các thị trường với doanh thu gần 3.500 tỉ đồng. Năm 2023, tỉnh này phấn đấu xuất khẩu 500.000 tấn chuối, tổng trị giá 5.000 tỉ đồng, chủ yếu bằng đường chính ngạch sang các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong chiến lược phát triển xuất khẩu, đối với mặt hàng chuối, tỉnh này vẫn luôn xác định Trung Quốc là thị trường chính yếu, có nhiều lợi thế.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp, HTX, nông hộ ở Đồng Nai không còn bỡ ngỡ với việc trồng chuối và thực hiện các yêu cầu để xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Tỉnh hỗ trợ người trồng chuối cơ hội tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ, phát triển các vùng sản xuất tập trung và gắn với lợi thế về cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics. Tỉnh cũng chủ động định hướng nông dân, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng theo nhu cầu thị trường.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết: "Chúng tôi nâng cấp giá trị cũng như chất lượng chuối tươi hiện nay bằng các giải pháp khoa học công nghệ, bằng các gói sản xuất tiên tiến, hướng hữu cơ. Để chúng ta có thể giúp bà con mở rộng được quy mô, mở rộng được cơ giới hóa, duy trì tốt được chất lượng".
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, tỉnh Long An, cho rằng, trước đây Doanh nghiệp Việt bán hàng sang Trung Quốc chủ yếu lấy số lượng nhưng giờ phải chú trọng chất lượng. Trung Quốc đang xây dựng lộ trình từ 2025 siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch từ Việt Nam và đến 2028 tất cả hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc phải theo đường chính ngạch.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Thị trường Trung Quốc giờ đây đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận an toàn… không thua gì Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Huy cho biết, để chuẩn bị đưa nông sản vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch, Công ty Hoàng Phát Fruit đang xây thêm nhà máy sản xuất, tiến hành các thủ tục cấp mã số kho, mã số vùng nguyên liệu. Nếu không có lộ trình chuẩn bị trước thì sẽ rất khó khăn, trở tay không kịp và nông dân, doanh nghiệp rất cần chính quyền địa phương cùng thực hiện lộ trình này.
Theo ông Huy: "Nông sản Việt Nam tới đây phải khẳng định trên thị trường quốc tế bằng chất lượng, chứ không còn làm số lượng nữa. Thị trường Trung Quốc tới đây họ cũng có lộ trình trồng nông sản tương đương như Việt Nam, cũng có trồng sầu riêng, trồng thanh long và nhiều loại nông sản khác… Cho nên, mình phải có sự chủ động với những diễn biến đó".
Chủ động đáp ứng
Ông Cù Văn Thành, Giám đốc công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (VIETCOCO), tỉnh Bến Tre chia sẻ, công ty sản xuất và chế biến 200.000 tấn dừa/năm, và đã xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đến hơn 50 thị trường, giá trị xuất khẩu 60 triệu USD/năm.
Dù vậy, riêng với thị trường Trung Quốc, dù rất gần nhưng công ty bán được rất ít hàng do gặp nhiều bất lợi. Thị trường Trung Quốc rộng lớn nhưng nông sản Việt vào được đó thì cũng phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Ông Cù Văn Thành cho rằng, khách hàng Trung Quốc thường muốn nhập hàng thô, hàng bán thành phẩm… Do đó, nông sản Việt Nam vào thị trường này đối diện với nhiều vấn đề về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…
"ASEAN – Trung Quốc có quy định miễn giảm thuế nhiều. Tuy nhiên ngầm bên trong, để sản phẩm của Việt Nam được lên kệ, được mua bán bình thường ở Trung Quốc và tìm đối tác để cùng làm rất là khó. Chúng tôi cũng cương quyết bám thị trường Trung Quốc, thấy vậy thôi nhưng quá trình làm còn nhiều cái khó lắm" - ông Thành chia sẻ.
Ngoài một số doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu chính ngạch nói chung và xuất vào thị trường Trung Quốc nói riêng, còn lại đa số doanh nghiệp, HTX, nông hộ chưa nắm chắc hoặc chưa thực hiện chặt các yêu cầu sản xuất, chế biến đủ tiêu chuẩn. Việc này cần được chấn chỉnh để đảm bảo nông sản đạt chất lượng xuất khẩu.
Ông Lê Viết Bình, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam, cho biết: Nông sản Việt Nam với sản lượng lớn, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước thì năm 2022 đã xuất khẩu đạt giá trị 53,22 tỉ USD.
Trung Quốc đang xây dựng lộ trình đóng biên, dần loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch, thực sự là một thách thức với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện ngoài mặt hàng chuối được xuất khẩu chính ngạch, còn lại hầu hết trái cây, nông sản như mít, sầu riêng, khoai lang… của Việt Nam đều sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đã đến lúc doanh nghiệp, nông dân phải gắn với thị trường, lấy yêu cầu của thị trường làm mệnh lệnh sản xuất để tìm được chỗ đứng tại Trung Quốc.
Ông Lê Viết Bình nêu rõ: "Việt Nam cùng với cơ quan chức năng Trung Quốc có những văn bản ký kết đi bằng đường chính ngạch để chuẩn hóa các cái sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta nghĩ rằng là đó là một thị trường cạnh tranh… Tuy nhiên, sự cạnh tranh này chính là cơ hội để chúng ta dần dần phải nâng cao chất lượng, uy tín của các sản phẩm nông sản Việt Nam".
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường có nhiều lợi thế như gần gũi về phong tục tập quán, văn hóa tiêu dùng, chi phí logistics thấp... Các địa phương, doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cần nắm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường này. Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc thị trường tiêu thụ và khẳng định vị thế thương hiệu nông sản./.