Xuất khẩu thủy sản tận dụng lợi thế của EVFTA

Chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp). Ảnh: NGÔ XUÂN

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Từ đây, EU đã và sẽ là thị trường hứa hẹn mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng chủ lực, trong đó có thủy sản, một trong những sản phẩm lợi thế của Phú Yên.

Thị trường tiềm năng

Theo Bộ Công thương, chỉ trong 1 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền trong nước đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 1 tháng kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang khu vực EU đạt 3,78 tỉ USD, cao hơn khoảng 600 triệu USD so với tháng trước đó.

EVFTA đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao. EU cũng là thị trường lớn thứ 3 của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang EU thì thủy sản là ngành có nhiều lợi thế với kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này.

Theo Sở Công thương, Phú Yên có lợi thế về nuôi trồng, chế biến thủy sản. Hiện trên địa bàn có hơn 11 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang các nước. Tuy nhiên, do những tiêu chí kỹ thuật khắt khe nên đa số doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến thị trường EU, chỉ số ít doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương, tôm sú nhưng với kim ngạch không đáng kể.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: EU là thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khó tính đối với mặt hàng thủy sản khi quy định chặt chẽ với nhiều tiêu chí. Nếu xuất khẩu được sang EU thì không chỉ sản phẩm cá ngừ mà các sản phẩm thủy sản khác của tỉnh cũng phải vượt qua các rào cản về kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về đánh bắt, truy xuất nguồn gốc, hay tất cả các khâu từ chọn giống, kỹ thuật nuôi, chất lượng, bảo quản thành phẩm… Do đó, để sản phẩm thủy sản của tỉnh xuất khẩu được sang EU thì doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực này còn rất nhiều việc phải làm.

Theo đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh, Phú Yên có trên 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có những doanh nghiệp thuộc ngành Thủy sản hoạt động khá lâu năm. Việc tìm được đối tác, thị trường mới luôn là mong muốn của các doanh nghiệp, nhưng xét về tiềm lực để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước EU thì không dễ.

Vì ngoài sự chủ động, tiềm năng của mỗi doanh nghiệp, việc tương tác, hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, vốn đầu tư, ký cam kết hợp tác… luôn hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang tác động đến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp hiện nay.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) cho hay: “EU là thị trường lớn, mức độ cam kết hợp tác xuất khẩu rất cao. Lâu nay, lượng thủy sản của công ty xuất sang EU không nhiều, chúng tôi dự định tăng số lượng trong thời gian tới. Tuy nhiên để đáp ứng thị trường, doanh nghiệp phải tập trung đầu tư về mọi mặt, nếu không đủ vốn thì rất khó để làm được điều này”.

Liên quan đến nguồn vốn, theo ông Lê Ngọc Hiệp, Trưởng Phòng Doanh nghiệp của Sacombank Phú Yên, đơn vị đang có nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, điều chỉnh niên hạn trả nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, miễn hoặc giảm lãi suất...

Mới đây, Sacombank có chương trình đồng hành cùng các hội doanh nghiệp, doanh nhân trẻ của tỉnh; hỗ trợ lãi suất rất thấp, khoảng 6%/năm. Đơn vị cũng có những cơ chế riêng đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nước ngoài, lãi suất tiền vay thấp hơn lãi suất cho khách hàng bình thường từ 1-2%, hoặc ưu đãi về các dịch vụ thanh toán, giảm các khoản phí liên quan (phí thanh toán quốc tế, bảo lãnh…) từ 30-50%.

Thực thi Hiệp định EVFTA, các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp… Sở Công thương cung cấp thông tin thị trường định hướng xuất khẩu, bản tin thị trường, xúc tiến thương mại… Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng máy móc, công nghệ mới vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản phẩm xuất khẩu.

“Ngành Thủy sản được xem là lợi thế của doanh nghiệp tỉnh nhà, nhưng khi xuất khẩu sang EU, sản phẩm phải đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của thị trường. Sở Công thương đã nhiều lần phổ biến các vấn đề liên quan trong thực thi Hiệp định EVFTA, hướng dẫn doanh nghiệp thao tác thực hiện hợp đồng giao dịch với đối tác, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa…”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/245922/xuat-khau-thuy-san-tan-dung-loi-the-cua-evfta.html