Xuất khẩu tuần từ 24/6-30/6: 6 tháng đầu năm, xuất siêu đạt 11,63 tỷ USD;xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 19%
6 tháng đầu năm, xuất siêu đạt 11,63 tỷ USD; xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 19%... là những tin nổi bật trong điểm tin xuất khẩu tuần từ 24-30/6/2024.
6 tháng đầu năm, xuất siêu đạt 11,63 tỷ USD
Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9.33 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,76 tỷ USD, tăng 2,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước tính tăng 10,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,3%.
Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91.4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 166,79 tỷ USD, chiếm 87,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 16,64 tỷ USD, chiếm 8,8%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 2,3%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 19%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 20,92 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.
Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thủy sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi đạt 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Có 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,16 tỷ USD, tăng 22,5%; càphê đạt 3,14 tỷ USD, tăng 36,2%; rau quả đạt 2,42 tỷ USD, tăng 35,3%; gạo đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27%; tôm đạt 1,43 tỷ USD, tăng 13,3%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Sản phẩm gạo và hạt điều có sự tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%) với giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều đạt 350.000 tấn (tăng 24,9%) với giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%).
Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng đạt 902.000 tấn, giảm 10,5%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD, tăng 34,6%.
Thị trường xuất khẩu cá tra hiện đang khởi sắc
Sau nhiều tháng giảm sâu, hiện xuất khẩu cá tra đang tăng trở lại. Dự báo thị trường này sẽ tiếp tục tăng vào hai quý cuối năm.
Do lượng hàng tồn kho của nhiều nước đang giảm mạnh, thị trường xuất khẩu cá tra hiện đang khá khởi sắc. Ví dụ như tại một nhà máy, mặc dù chỉ cuối tháng 6 nhưng đơn vị đã ký được đơn hàng cho cả năm 2024.
Hơn 746 triệu USD là tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được trong 5 tháng qua, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ là thị trường có sức tiêu thụ tốt nhất với hơn 120 triệu USD, so với cùng kỳ tăng tới 19%. Kế đến là Trung Quốc, EU, Nga… cũng đang gia tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam.
Việc Chính phủ tăng cường ngoại giao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cùng với nỗ lực của cả ngành hàng đảm bảo sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn và có giá bán cạnh tranh… đã giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng.
Với nhiều sự kiện, lễ hội lớn sắp diễn ra. Quý III và quý IV là thời điểm được dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ bùng nổ cả thị trường châu Âu và châu Á.
Xuất khẩu chè tăng về lượng và trị giá
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 9,5 nghìn tấn, trị giá 15,4 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 4/2024; tăng 2,6% về lượng nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 5/2023. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2024 đạt 1.625 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 46,2 nghìn tấn, trị giá 75,7 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và tăng 17,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.639,4 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan, tuy nhiên lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường chủ lực là Pakistan vẫn trong xu hướng giảm đáng kể, đạt 11,7 nghìn tấn, trị giá 23,4 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường lớn thứ 2 là Đài Loan (Trung Quốc), xuất khẩu đạt 5.174 tấn, tương đương 8,46 triệu USD, giá 1.636 USD/tấn, tăng 6,3% về lượng, tăng 8,8% về trị giá và tăng 2,3% về giá so với cùng kỳ.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt 4.661 tấn, tương đương 6,72 triệu USD, tăng 180,8% về lượng và tăng 63,5% về trị giá. Tuy nhiên, vì lượng tăng nhanh hơn kim ngạch nên giá xuất khẩu chè bình quân sang thị trường này chỉ đạt 1.443,5 USD/tấn, giảm sâu 41,8% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu 1.586 tấn chè từ Việt Nam, tương đương 2,39 triệu USD, tăng tới 176% về lượng, tăng 115% về kim ngạch so với cùng kỳ.