Xuất khẩu tuần từ 5/2-11/2: Tháng 1, cà phê tăng gấp 2 lần, xuất khẩu hàng hóa đạt 33,6 tỷ USD
Tháng 1, xuất khẩu cà phê tăng gấp 2 lần, xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 đạt 33,6 tỷ USD... là những tin nổi bật trong điểm tin xuất khẩu tuần 5/2-11/2.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng so với tuần trước. Tại các địa phương, cà phê đang được thu mua với giá trong khoảng 78.200 - 79.400 đồng/kg. Với xu hướng tăng giá như hiện nay, giá cà phê trong nước có khả năng sớm vượt mức 80.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, giá cà phê bình quân đạt 77.993 đồng/kg, tăng 5,22% so với tuần trước (tăng 3.867 đồng/kg) và tăng 81,92% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Lâm Đồng, giá cà phê trung bình đạt 77.400 đồng/kg, tăng 5,39% so với tuần trước (tăng 3.960 đồng/kg) và tăng 82,81% so với cùng kỳ năm trước.
Mức giá thấp nhất hiện tại là 78.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng, cao hơn một chút là tỉnh Gia Lai với mức giá 78.900 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao dịch quanh mức giá là 79.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá cà phê trong nước tăng mạnh và liên tục tạo đỉnh mới là do việc thương nhân tích cực thu mua để chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà xuất khẩu với tâm lý sợ thiếu hàng như năm ngoái nên thu mua nhiều hơn.
Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng tăng 4,6% về giá trị lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022 - 2023.
Xuất khẩu hàng hóa cả nước tháng đầu năm 2024 đạt 33,6 tỷ USD
Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, hoạt động thương mại diễn ra sôi động, giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 64,2 tỷ USD, tăng 37,7% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại trong tháng 1 ước xuất siêu 2,92 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt gần 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 9,92 tỷ USD.
Hai nhóm hàng nông - lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến tăng trưởng chính với mức tăng lần lượt là gần 97% và 38%. Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong tháng đầu năm nay tăng hơn 56% so với tháng trước.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 9,6 tỷ USD, tăng gần 56% cùng kỳ. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU hay ASEAN cũng đều tăng trưởng.
Xuất khẩu dệt may tăng tốc trên đường đua tỷ USD
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất của ngành dệt may tháng 1/2024 khá khả quan, trong đó dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%. Sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%...
Tương ứng với đó, dệt may cũng đứng vào top 4 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khả quan như trên được nhận định là nhờ sự phục hồi của các doanh nghiệp từ cuối năm 2023, khi đơn hàng dần tăng trở lại nhờ nhu cầu may mặc dịp lễ, Tết.
Xuất khẩu rau quả cũng tăng
Tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Rau quả là ngành hàng có nhiều lợi thế.
Với 2,1 tỉ USD trong năm 2023, sầu riêng là mặt hàng có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm mới 2024. Như tại nhà máy của Công ty TNHH WesternFarm, dù chưa đến giữa tháng 2, thế nhưng đơn vị đã kí kết được nhiều đơn hàng cho cả quý II.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh, khi có đến 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được kí Nghị định thư như chanh dây, dừa và sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị.
Xuất khẩu rau quả nước ta trong tháng đầu tiên năm 2024 đạt hơn 0,5 tỉ USD, tăng 112% so với cùng kì năm trước. Việc đi bằng con đường chính ngạch, với các sản phẩm ngon, chất lượng đã và đang mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho ngành rau quả nước ta.
5 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng đầu năm
Sau những kết quả tích cực của năm ngoái, ngay trong tháng 1/2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của chúng ta tiếp tục đón nhận tin vui. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với nông lâm thủy sản đã đạt hơn 5 tỷ USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, thặng dư thương mại đạt 1,43 tỷ USD, tăng tới 4,6 lần. Đây là một khởi đầu tốt, cho thấy những triển vọng tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm nay.
Sau một chuỗi dài giảm sâu trong cả năm ngoái, xuất khẩu thủy sản trong tháng 1 năm nay đã đạt 730 triệu USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm đều ghi nhận tăng trưởng trên 50%. Kết quả này cho thấy tín hiệu lạc quan trở lại của các thị trường nhập khẩu.
Với mặt hàng lúa gạo, doanh nghiệp Việt đã trúng thầu nhiều gói xuất khẩu lớn từ hàng loạt thị trường trọng điểm khi giá gạo vẫn đang duy trì ở mức cao. Hàn Quốc vừa cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo hơn 55.000 tấn. Hay mới đây, 7 doanh nghiệp Việt trúng thầu 300.000 tấn gạo tại thị trường Indonesia, chiếm gần một nửa lượng gạo nước này muốn nhập trong tháng đầu năm.
Song song với duy trì các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thúc đẩy mở cửa và khai thác tiềm năng từ các quốc gia nhập khẩu mới như Trung Đông, châu Phi… để nông sản Việt ngày càng mở rộng thị trường, thị phần quốc tế.
Năm 2024, ngành nông nghiệp xác định là năm tăng tốc, bứt phá. Những khởi đầu suôn sẻ và tích cực, cùng với nỗ lực mở cửa thị trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững sẽ là tiền đề để xuất khẩu nông lâm thủy sản được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu cao hơn năm 2023.