Xuất khẩu vào Trung Quốc, cửa lớn càng thêm rộng

Năm 2023, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. Bước qua năm 2024, thị trường này tiếp tục được đặt nhiều kỳ vọng, nhất là sau chuyến làm việc của đoàn công tác thuộc Bộ NN-PTNT tại Trung Quốc.

Với những lợi thế như chi phí logistics thấp nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn doanh nghiệp Việt.

Hấp lực từ thị trường 1,4 tỷ dân

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt 53,1 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với 2022. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, ASEAN tiếp tục là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023 trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng dương, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng âm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2023. Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.

Một trong những sản phẩm gây ấn tượng mạnh khi xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này trong năm 2023 là sầu riêng, với 2,3 tỷ USD, chiếm 32% thị phần sầu riêng tại Trung Quốc.

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đánh giá dư địa xuất khẩu trái cây nói chung, sầu riêng nói riêng sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Thực tế, trong năm 2023 không ít doanh nghiệp không đủ hàng sầu riêng bán cho đối tác, và các doanh nghiệp đều có chung nhận định thị trường 1,4 tỷ dân này là mảnh đất màu mỡ.

Với những lợi thế như chi phí logistics thấp nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nhiều nét văn hóa tương đồng trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản… Trung Quốc là thị trường hấp dẫn doanh nghiệp Việt.

Sắn cũng là loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD sang thị trường Trung Quốc. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn mang về 1,3 tỷ USD, trong đó hơn 90% xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản khác xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 cũng tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng 19,6%; hạt điều tăng 55%; cà phê tăng 10,3%...

Cùng với nông sản, nhiều mặt hàng thủy sản cũng coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm. Cụ thể, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% so với 2022 nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam.

Bà Thu Hằng, chuyên gia thị trường cá tra thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định người tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về tiêu thụ cá tra.

Như thời điểm cuối năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc tích trữ hàng để cung cấp cho nhu cầu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho khách sạn, nhà hàng và ngành dịch vụ, du lịch… Với sản phẩm tôm, năm 2023 xuất khẩu sang Trung Quốc nằm trong xu hướng giảm chung, tuy nhiên mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Từ những kết quả khả quan của năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đều kỳ vọng kết quả xuất khẩu của năm 2024 sang thị trường lớn Trung Quốc sẽ càng khả quan hơn, nhất là sau chuyến làm việc của đoàn công tác thuộc Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thành Nam dẫn đầu mới đây tại Trung Quốc.

Tăng tốc cho 2024

Ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết Trung Quốc đồng ý mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt sẽ xem xét mở cửa cho trái bơ, trái chanh leo của Việt Nam vào thị trường này. “Đây có thể xem là tin mừng cho nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây nguyên và ĐBSCL” - ông Nam chia sẻ.

Đáng chú ý thị trường này đánh giá rất cao trái sầu riêng Việt Nam. Những thông tin này đang củng cố thêm niềm tin cho rau quả Việt Nam, với mục tiêu kim ngạch đề ra cho cả năm 2024 là 6-6,5 tỷ USD, trong đó sầu riêng tiếp tục tăng tốc chiếm lĩnh thị trường với con số nhắm tới 3-3,5 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc dự kiến chiếm khoảng 80% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

Một tin vui khác cũng được Thứ trưởng Nam chia sẻ, đó là 2 nước sẽ tạo điều kiện cho tôm hùm bông của Việt Nam tiếp tục trở lại thị trường Trung Quốc, với việc bổ sung điều này vào nghị định thư xuất khẩu thủy sản các sản phẩm khai thác tự nhiên.

Lâu nay Trung Quốc chiếm gần 99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên từ tháng 5-2023, Trung Quốc ban hành luật về bảo vệ động vật hoang dã và danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ, tôm hùm bông nằm trong danh sách này. Đến tháng 8-2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang Trung Quốc bị ngưng trệ.

Bên cạnh niềm vui của tôm hùm bông, các nhóm ngành khác cũng đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc trong năm nay. Như với tôm theo đánh giá của VASEP, xung đột Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng, có thể khiến Ecuador giảm xuất khẩu sang Trung Quốc do phải chịu áp lực chi phí vận tải biển gia tăng.

Đây có thể là cơ hội cho tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc nhờ vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp. Các tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này có thể phục hồi nhẹ. Hay với cá tra, Việt Nam kỳ vọng Trung Quốc sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra trong năm 2024.

Có thể thấy, với những lợi thế như chi phí logistics thấp nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nhiều nét văn hóa tương đồng trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản… Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Việt. Song Trung Quốc đã không còn dễ tính, khi ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng nhập khẩu, trong đó có hàng nhập từ Việt Nam.

Đơn cử, với các mặt hàng rau quả Trung Quốc đang siết tiểu ngạch, chuyển dần qua chính ngạch để kiểm soát các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng cạnh tranh rất gay gắt, bởi thị trường này không chỉ hấp dẫn Việt Nam mà là miếng bánh ngon của nhiều quốc gia khác trong khu vực (như Thái Lan, Malaysia…) và thế giới.

Trở lại với trái sầu riêng, Việt Nam không chỉ cạnh tranh với Thái Lan, mà tương lai là Malaysia và Philippines… Thứ trưởng Trần Thành Nam cho biết phía bạn đánh giá cao sầu riêng của Việt Nam, nhưng cũng cảnh báo về chất lượng mẫu mã.

“Các hộ nông dân, doanh nghiệp đang trồng, xuất khẩu sầu riêng cần chú ý đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa khi xuất sang Trung Quốc, để có chỗ đứng bền vững ở thị trường này” - ông Nam khuyến cáo.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/xuat-khau-vao-trung-quoc-cua-lon-cang-them-rong-post111812.html