Xuất, nhập khẩu: Bức tranh không chỉ toàn màu hồng

Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2021 dù tăng rất mạnh nhưng nhập khẩu lại còn tăng mạnh hơn. Nếu cho rằng nhập khẩu tăng mạnh, dẫn đến nhập siêu, là dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế thì e rằng nhận định như vậy là quá lạc quan.

 Kim ngạch xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại những tháng cuối năm diễn biến như thế nào còn phụ thuộc vào nỗ lực kiềm chế Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Kim ngạch xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại những tháng cuối năm diễn biến như thế nào còn phụ thuộc vào nỗ lực kiềm chế Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhập khẩu tăng mạnh do giá cả leo thang

Với 157,6 tỉ đô la Mỹ, thì kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng tới 28,4% so với cùng kỳ và đây là mức tăng kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Ở chiều ngược lại, với 159,1 tỉ đô la, nhập khẩu thậm chí còn tăng “khủng” hơn, đạt 36,1%, vượt rất xa kỷ lục của hai năm đầu thập kỷ trước.

Điều đáng nói là mức tăng rất mạnh của nhập khẩu chủ yếu không đến từ sự tăng khối lượng hàng nhập, mà do tăng giá. Trong đó có những mặt hàng, nhóm hàng tăng đột biến, khiến cả thế giới sôi nổi luận bàn về một siêu chu kỳ mới đã hoặc sẽ bắt đầu.

Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tính bình quân, giá hàng năng lượng thế giới sáu tháng đầu năm 2021 đã tăng 63,1% so với cùng kỳ năm 2020, còn so với sáu tháng liền kề trước thì cũng đã tăng rất mạnh 49,6%. Trong cùng thời gian này, nhóm hàng phi năng lượng tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng kim loại và khoáng sản có các chỉ số tăng rất cao, còn ở phân nhóm hàng nông sản có các mức tăng thấp hơn đáng kể.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, tác động của những xu thế giá cả đó đối với “rổ hàng xuất, nhập khẩu” của nước ta là không hề nhỏ theo hướng bất lợi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khi giá hàng xuất khẩu sáu tháng vừa qua chỉ tăng 1,22% so với cùng kỳ, thì giá hàng nhập khẩu đã tăng gấp đôi. Trong đó, riêng ở nhóm hàng nhiên liệu, mức chênh lệch này thực sự “siêu khủng” với hai con số tương ứng 1,31% và 20,95%.

Cụ thể hơn, các kết quả tính toán về các mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị cho thấy, tổng lượng xuất khẩu gần 41 triệu tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ, còn kim ngạch đạt gần 18 tỉ đô la, mức tăng tới 38,7%. Điều này có nghĩa là xuất khẩu tăng mạnh nhờ giá cả tăng.

Ở chiều nhập khẩu, với 73,9 triệu tấn, “rổ hàng nhập khẩu” đã giảm nhẹ 7,1%, nhưng tổng kim ngạch nhập lại tăng tới 48,8% với tổng kim ngạch 37,4 tỉ đô la.

Giá hàng hóa nhập khẩu tăng cũng góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng 1,62% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ giảm 0,59%.

Kịch bản nào cho nửa cuối năm 2021?

Kim ngạch xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại những tháng cuối năm diễn biến như thế nào chắc chắn sẽ còn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào xu thế biến động giá cả của thị trường thế giới và những nỗ lực kiềm chế đại dịch Covid-19.

Trên tổng thể, với hy vọng sớm kiềm chế thành công làn sóng Covid-19 hiện nay và triển vọng kinh tế thế giới sắp tới tiếp tục sáng sủa, xuất, nhập khẩu sẽ diễn ra theo hai chiều hướng giá cả thế giới khác nhau.

Trong trường hợp giá cả thế giới duy trì ở mức rất cao hiện nay, hoặc giảm nhẹ, xuất khẩu sẽ duy trì được nhịp tăng cao, còn nhập khẩu trong một vài tháng tới sẽ không tăng “sốc” như gần đây. Tuy nhiên, trong trường hợp giá cả thế giới còn tăng, cán cân thương mại sẽ còn xấu hơn, bởi “rổ hàng nhập khẩu” sẽ còn bị khuyếch đại nhiều hơn xuất khẩu, nên khả năng Việt Nam có xuất siêu trở lại là rất khó.

Ngược lại, trong trường hợp giá cả thế giới giảm, hàng loạt doanh nghiệp lỡ “ôm hàng” quá nhiều, đặc biệt là ở nhóm hàng nông sản, sẽ gặp khó khăn do đầu vào bị đội giá quá cao, không chỉ thị trường xuất khẩu mà cả tiêu thụ trong nước cũng khó khăn. Với kịch bản giá cả này, xuất, nhập khẩu trong những tháng tới hầu như chắc chắn sẽ không còn tăng mạnh như nửa đầu năm, nhưng có thể hy vọng cán cân thương mại trở lại cân bằng, thậm chí xuất siêu có thể xuất hiện trở lại.

Tóm lại, do đặc thù xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nguyên, nhiên, vật liệu, cho nên công nghiệp chế biến đã và sẽ còn tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, không đóng góp tương xứng cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong trường hợp giá cả thế giới tăng mạnh như hiện nay.

Nói khác về nhập siêu sáu tháng đầu năm 2021

Sáu tháng đầu năm 2021 Việt Nam nhập siêu 1,5 tỉ đô la. Nhiều ý kiến cho rằng điều này không đáng ngại, thậm chí còn lạc quan “nhập siêu để tăng trưởng” hoặc “dấu hiệu tích cực từ nhập siêu”... Nhưng xin có ý kiến khác vì...

Nhập siêu sáu tháng 2021 không thể chỉ đơn giản là 1,5 tỉ đô la mà phải rành rọt là do khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 22,4 tỉ đô la và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 20,9 tỉ đô la.

Sự thật là nhiều năm qua, dù trên tổng thể nước ta xuất siêu, nhưng khối doanh nghiệp trong nước vẫn triền miên nhập siêu, thậm chí sáu tháng đầu năm 2021 còn nhập siêu khủng hơn so với 15,4 tỉ đô la của nửa đầu năm 2020.

Không những thế, mức tăng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng luôn thấp hơn mức tăng chung của cả nước, trong khi mức tăng nhập khẩu thì lại ngược lại.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vốn đã rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng hai năm qua lại đang teo tóp dần xuống 27,8% trong năm ngoái và sáu tháng đầu năm 2021 chỉ còn 25,8%.

Các thị trường Việt Nam xuất siêu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu hầu như do công xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Ngược lại, tại các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean phần đông do các doanh nghiệp trong nước bươn chải, mang sang đó chủ yếu là hàng thô, tươi sống, khối lượng khổng lồ, vất vả, rủi ro, nhưng Mỹ kim nhẹ tếch. Sáu tháng đầu năm 2021 nhập siêu từ Trung Quốc là 29,1 tỉ đô la, Hàn Quốc là 14,7 tỉ đô la, ASEAN là 7,2 tỉ đô la.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguyễn Đình Bích

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/318302/xuat-nhap-khau-buc-tranh-khong-chi-toan-mau-hong.html