Xuất nhập khẩu tăng gần 38% - Tín hiệu tích cực nhưng không thể chủ quan
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, xuất nhập khẩu hàng Việt trong tháng 1 tăng trưởng gần 38% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu khởi sắc tích cực. Tuy nhiên, không thể chủ quan bởi năm 2024 nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng, đơn hàng xuất khẩu tăng nhẹ
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1, tháng đầu năm 2024 đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% (so với cùng kỳ năm 2023), xuất siêu 2,92 tỷ USD.
An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo tháng 1/2024 đạt 347 triệu USD, tăng 86,1%.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, xuất nhập khẩu tháng 1/2024 tăng gần 38% là kết quả của sự nỗ lực từ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đơn hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới.
Các thị trường xuất khẩu lớn tăng trưởng mạnh mẽ
Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.
Sau hơn 1 năm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã nỗ lực, thích ứng và tìm kiếm các đơn hàng từ các thị trường truyền thống, các thị trường mới và các thị trường đã ký kết các FTA (hiệp định thương mại) với Việt Nam.
Từ đó, các doanh nghiệp có các đơn hàng xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, trong tháng 1/2024, đơn hàng xuất khẩu nhóm điện thoại, máy tính đã có sự cải thiện.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng đầu năm 2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD, trong đó tất cả các nhóm hàng đều tăng. Doanh nghiệp chủ động thích ứng, đơn hàng xuất khẩu tăng nhẹ.
Cụ thể, xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất đạt 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Đa dạng hóa thị trường, đối phó với khủng hoảng tại Biển Đỏ
Đánh giá về khả năng duy trì đà phục hồi, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu đề ra trong năm 2024, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đơn hàng xuất khẩu quay trở lại là điều rất đáng mừng. Nhưng hầu hết các đơn hàng xuất khẩu mới chỉ là ngắn hạn, dài nhất cũng chỉ đến tháng 6/2024. Tuy nhiên, trong câu chuyện xuất khẩu cả năm 2024, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi và thích ứng và cố gắng.
Theo đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm,… của các thị trường nhập khẩu.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, hoạt động xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng do căng thẳng ở Biển Đỏ đẩy giá cước vận chuyển biển tăng cao kỷ lục. Để hạn chế ảnh hưởng này bằng việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để giảm thiểu phụ thuộc, rủi ro ở thị trường khu vực Biển Đỏ.
Theo ông Phùng Đức Tiến, trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng nông sản.
Trong đó, chủ yếu phối hợp với Bộ Công thương trong việc đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam…; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch....
Ngoài Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm. Tới đây, bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Đồng thời, tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.