Xúc động câu chuyện về một lần tư vấn tâm lý học đường
Nhờ sự quan tâm, tình yêu thương của cô giáo và các bạn, Hải - cậu học trò mang căn bệnh thiếu hoóc-môn sinh trưởng - đã có những thay đổi bất ngờ.
Câu chuyện có thật được cô Nguyễn Thị Nhin, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
- Con thưa cô, cô có thể cho con lên nhận giải thưởng của lớp được không ạ?
Tôi ngỡ ngàng trước lời đề nghị của Hải (tên nhân vật đã thay đổi) – cậu học sinh bé nhỏ của tôi khi lớp đạt giải trong cuộc thi do nhà trường vừa tổ chức.
- Con lên đi!
Khuôn mặt rạng rỡ, phong thái tự tin của con thực sự khiến tôi vui và không khỏi ngỡ ngàng bởi chỉ cách đó khoảng hai tháng thôi, con là một học sinh hoàn toàn khác.
Hải bé nhỏ, bé nhỏ đến tội nghiệp. Căn bệnh thiếu hoóc-môn sinh trưởng khiến con chỉ cao tầm 1m3, nhỏ hơn nhiều so với các bạn cùng lớp.
Ngay từ những ngày đầu nhận lớp, tôi lặng lẽ quan sát Hải nhiều lần. Trong lớp, hầu như con không bao giờ nói chuyện với ai, không tham gia trò chơi gì, thậm chí còn ngại ngần khi đứng cạnh các bạn.
Những giờ ra chơi hay cả khi lớp tham gia hoạt động ngoại khóa, con chỉ buồn rầu ngồi một mình làm bạn với rubic hoặc đọc truyện. Hết giờ con lại lủi thủi ra về.
Nhưng có đôi lần, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt của con sáng lên khi quan sát các bạn chơi đùa. Trận cười nghiêng ngả của các bạn khi lần đầu Hải trực nhật khiến con sững lại, mắt ngấn lệ. Con vốn rụt rè lại càng rụt rè hơn.
Trong khi các bạn có thể vươn hết tầm tay thoải mái lau sạch bảng thì con, dù đã cố kiễng chân, rướn người và vươn hết cánh tay cũng chỉ lau đến giữa bảng. Thế nên, cứ đến lượt bàn mình trực nhật, con lại vội vã xin bạn cùng bàn cho nhiệm vụ đi giặt giẻ lau.
Trận cười của các bạn và đôi mắt ngấn lệ của con hôm ấy càng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó. Nhưng làm thế nào để xóa bỏ định kiến của học sinh trong lớp đang độ tuổi ẩm ương, rất hay để ý đến ngoại hình? Và khó khăn hơn là làm thế nào đã phá vỡ vỏ bọc đã khiến con co mình lại trong bao năm?
Đầu tiên, tôi tìm đến hai học sinh nữ mà theo cảm nhận của mình, các con vui vẻ, tích cực, nhiệt tình và quan trọng là các con đủ kiên nhẫn, bao dung. Tôi trò chuyện nghiêm túc với các con, nhờ con giúp đỡ Hải.
Lấy lý do cần thay đổi một số chỗ ngồi trong lớp, tôi xếp 2 cô bé đó ngồi cạnh Hải. Hai bạn có nhiệm vụ trò chuyện, động viên và lôi kéo Hải vào trò chơi mà không cần lợi thế về ngoại hình: chơi cờ ca-rô, cá ngựa, ô ăn quan…
Tiếp đó, tôi gặp gỡ với một nhóm học sinh nam, nói thật với các con về bệnh tình của Hải, rằng Hải đã phải khổ sở, đau đớn vì điều trị bệnh tình thế nào và bày tỏ mong muốn các con giúp Hải.
Cũng may, là lớp chọn nên các con rất ngoan, hiểu chuyện. Các con nói chuyện với Hải nhiều hơn, rủ Hải tham gia vào các hoạt động và cả một số môn thể thao khác…
Về phần mình, tôi trò chuyện với con nhiều hơn, động viên con rằng mỗi người sẽ có một thế mạnh, con hãy tìm ra những khả năng của mình để phát huy.
Tôi cố tình tổ chức một buổi thuyết trình với nội dung: Kể về những người mà con ngưỡng mộ. Theo sắp đặt, nhóm bạn nữ ngồi cạnh con sẽ chuẩn bị bài nói về Na-pô-nê-ông. Bài nói được chuẩn bị với phần trình chiếu hình ảnh vô cùng công phu, nội dung hấp dẫn, đó là bài nói cuối cùng của tiết học hôm ấy.
Các con say sưa thuyết trình về tài năng quân sự của Na-pô-nê-ông và kết bằng câu nói bất hủ của ông: “Chiều cao của người đàn ông tính từ đầu lên đến trời”. Cả lớp vỗ tay cho bài nói. Và tôi để ý, Hải còn đứng lên vỗ tay với ánh mắt tự tin, khuôn mặt rạng ngời.
Kể từ đó, tôi thấy Hải không còn co mình lại với khuôn mặt buồn rầu tội nghiệp và cái nhìn cúi xuống nữa. Con vui tươi, sôi nổi tham gia các hoạt động, hăng hái giơ tay phát biểu…
Và lời đề nghị của con trong buổi nhận giải thưởng hôm ấy khiến tôi càng thêm thấu hiểu điều mình luôn trăn trở trong cuộc đời đi dạy: Trong trường học, tư vấn tâm lý thực sự là điều cần thiết, là bậc thềm của sự an toàn, nơi để nhiều đứa trẻ có thể tìm ra con đường tốt nhất cho mình.