Xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo hết lòng vì công việc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8 (1930 - 2020), phóng viên Báo Quảng Trị đã gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ.

Ông NGUYỄN ĐĂNG TAM - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Phải có quan điểm, lập trường vững vàng

Trong suốt 90 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn coi công tác tuyên giáo là mặt trận hàng đầu; là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và chế độ.

 Ông Nguyễn Đăng Tam- Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Đăng Tam- Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ảnh: T.L

Theo tôi, muốn hoàn thành nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo trong tình hình mới hiện nay đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo phải có quan điểm, lập trường vững vàng, trung thành với Đảng, với lý tưởng cach mạng. Cán bộ làm công tác tuyên giáo mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự biến đổi, môi trường công tác tuyên giáo có nhiều thay đổi. Trong giai đoạn hiện nay so với trước thì thông tin đa dạng, nhiều chiều hơn, kể cả tích cực và tiêu cực, mặt trái, mặt tốt… Cho nên người làm công tác tuyên giáo phải thận trọng khi tiếp thu thông tin, kiểm tra nguồn gốc thông tin đến nơi, đến chốn, cần có sự nhận định rõ ràng. Phương tiện, công cụ, phương pháp thông tin hiện nay cũng rất đa dạng, phong phú, hiện đại, nên người làm công tác tuyên giáo phải chú ý để có nguồn thông tin chính xác nhất.

Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay dân trí ngày càng được nâng cao, dân chủ trong xã hội được mở rộng, vì vậy phát ngôn của quần chúng nhân dân cũng bộc lộ rõ ràng hơn, mạnh dạn hơn. Đây là điều kiện để người làm tuyên giáo bắt kịp thông tin xã hội một cách đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, người làm tuyên giáo cần phân tích kỹ lưỡng, thận trọng, chú ý nhìn nhận các khía cạnh để dự báo, lúc đó mới đề xuất được các giải pháp tư tưởng đi trước được. Người làm công tác tuyên giáo là người truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng có tính dự báo, do vậy cần coi trọng điều tra dư luận xã hội, trên cơ sở đó phân tích vấn đề, tham mưu cấp ủy kịp thời.

Ông DƯƠNG TÚ ANH - Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Những kỷ niệm khó quên về ngành Tuyên giáo

Trên suốt chặng đường gắn bó với ngành Tuyên giáo, với tôi, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng đều để lại những kỷ niệm khó quên. Đó là thời gian cơ quan tuyên huấn (này là tuyên giáo) hoạt động bí mật ở chiến khu Ba Lòng. Nơi làm việc là chiếc bàn đá đặt chông chênh bên suối, anh em thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Thiếu thốn đủ bề nhưng những người làm công tác tuyên giáo không nề hà gian khó, hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó. Với vai trò là tổ trưởng tuyên truyền xung phong, tôi đã cùng với đồng đội bí mật tiến đến gần các đồn địch dùng loa để tuyên truyền, kêu gọi. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, những người tham gia đội tuyên truyền xung phong phải dũng cảm, bình tĩnh, đồng thời nắm được chủ trương của Đảng để thực hiện các bài tuyên truyền phù hợp, hiệu quả...

 Ông Dương Tú Anh- Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ảnh: T.L

Ông Dương Tú Anh- Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ảnh: T.L

Khi trở về đồng bằng, tôi và đồng đội tiếp tục phối hợp với lực lượng đặc công và du kích địa phương đánh tàu vận chuyển vũ khí của địch từ Cửa Việt lên Đông Hà. Thực hiện vai trò của một cán bộ tuyên huấn, chúng tôi đã có mặt ở những vùng xung yếu, vùng sát địch để tuyên truyền bề nổi, vận động các cơ sở cách mạng cất giấu vũ khí nhằm phục vụ cho các lực lượng đánh tàu vận chuyển vũ khí của địch. Trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào năm 1971, tôi cùng đồng đội bố trí lực lượng bí mật để chặn đánh địch trên đường giao thông; tổ chức cho du kích Cam Lộ đánh địch từ cây số 41 đến Đầu Mầu; phối hợp thực hiện xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch trên tuyến từ Cam Lộ đến Đông Hà… Đất nước thống nhất, đội ngũ cán bộ tuyên huấn, tuyên giáo chúng tôi lại tiếp tục là những người đi trước, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển; là đội quân chủ lực trong việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; định hướng dư luận xã hội, nghiên cứu tổng kết thực tiễn làm cơ sở cho công tác nghiên cứu lý luận của Đảng.

Như vậy, có thể thấy rằng, qua các thời kỳ cách mạng, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã luôn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, nâng cao chất lượng tham mưu cấp ủy, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông TRẦN BÌNH TUẤN - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Triệu Phong: Người làm công tác tuyên giáo phải có tố chất, niềm đam mê và tự đổi mới

Công tác tuyên giáo đóng vai trò đi trước, mở đường cho nhiệm vụ chính trị, đi cùng nhiệm vụ chính trị và về sau nhiệm vụ chính trị của Đảng (tức công tác này đóng vai trò chính trong việc xây dựng đường lối, nghị quyết; tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện đường lối, nghị quyết và đóng vai trò sơ kết, tổng kết việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng trong thực tiễn). Những người làm công tác tuyên giáo chúng tôi tự hào rằng, công tác tuyên giáo của Đảng đã có một truyền thống quý báu, ở lịch sử ra đời và cả trong toàn bộ quá trình hoạt động của mình.

 Ông Trần Bình Tuấn- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Triệu Phong. Ảnh: T.L

Ông Trần Bình Tuấn- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Triệu Phong. Ảnh: T.L

Là một cán bộ tuyên giáo làm công tác tham mưu cấp ủy địa phương xây dựng Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo, trong bối cảnh tình hình hiện nay, trước hết chúng tôi phải không ngừng rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai là nắm vững đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tế, hơi thở cuộc sống để tham mưu làm tốt công tác tư tưởng, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào mọi mặt của cuộc sống, xã hội, để đảm bảo cho mọi người có niềm tin, giữ vững niềm tin và hành động tích cực.

Thứ ba là với tinh thần cầu tiến và hăng say nghề nghiệp, chúng tôi đã có sự trưởng thành nhất định, có thể kế tục, học tập gương lớp người đi trước, tiếp tục hoàn thiện bản thân qua các lớp đào tạo, tập huấn và qua thực tế công tác.

Thứ tư, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, những người làm công tác tuyên giáo hôm nay phải không ngừng tích lũy ngày càng nhiều hơn tri thức, lý luận và kinh nghiệm; hiểu biết và có nhãn quan chính trị sâu rộng, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, nhạy bén nắm bắt cái mới và sáng tạo ra cái mới để vận dụng vào công việc, trong bối cảnh tình hình không ngừng chuyển động như hiện nay để tham mưu làm tốt công tác tư tưởng. Đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện lệch lạc, thù địch, cơ hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN. Góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên định với lý tưởng cách mạng của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu.

Thứ năm, trong bối cảnh tình hình mới đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các luồng thông tin tiêu cực, truyền thông “bẩn” chiếm lĩnh mạng xã hội gieo rắc tư tưởng hoài nghi, cực đoan, biểu hiện sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên..., cán bộ tuyên giáo cần phải có tố chất và niềm đam mê nghề nghiệp, phải luôn tự đổi mới, tự nâng tầm, không được phép ngừng nghỉ việc tích lũy ngày càng nhiều hơn tri thức, lý luận và kinh nghiệm. Ý thức rõ điều này, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150277