Xung đột, đứt gãy và những nỗ lực hàn gắn vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng

Một chuỗi động thái tích cực của tiến trình hòa giải giữa Mỹ - Trung, Nhật - Hàn, Saudi – Iran và Israel – thế giới Ả rập được củng cố mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022 làm nền tảng cho một năm 2023 với nhiều hy vọng. Tuy vậy, cấu trúc an ninh đang định hình theo hướng 'dĩ hòa giữa các cực đối trọng' gặp phải những 'cơn sóng liên hoàn' đến từ hàng loạt những khó khăn, thách thức với biên độ dao động khó lường trong hai quý đầu năm 2023.

Bên cạnh những “đợt sóng” dâng cao vì nhóm mâu thuẫn đến từ bối cảnh khu vực bên ngoài, còn có những cơn “sóng ngầm” trỗi dậy từ nhóm các biến động bên trong nội bộ các cường quốc trụ cột đang “trấn giữ” trật tự thế giới. Chuỗi khủng hoảng trong năm 2023 vì thế đã diễn ra theo hướng ngày càng dồn dập, từng bước leo thang căng thẳng và bùng nổ thành những xung đột quân sự ở những “mắt xích” đủ lớn để tạo nên các đứt gãy mới. Hầu như tất cả các cực trong quan hệ quốc tế dù là nước lớn hay nhóm nước nhỏ đã nỗ lực phát huy tối đa khả năng gìn giữ hòa bình, giảm thiểu rủi ro lan tỏa xung đột. Giữa lằn ranh ngày càng mong manh giữa hai xu thế “chủ chiến” và “chủ hòa”, chuyển biến quan hệ quốc tế trong năm 2023 đã có những động thái tự điều chỉnh nhằm bảo toàn đại cục ngay cả khi viễn cảnh xung đột vẫn liên hoàn theo dạng sóng sau xô sóng trước.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là điểm sáng với nhiều thành tựu ngoại giao có ý nghĩa chiến lược trong năm 2023.

Xung đột nối tiếp xung đột

Ở cấp độ quốc tế, động thái không quân Mỹ bắn hạ kinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay lạc vào không phận vào đầu tháng 2 lập tức đã tạo đứt gãy mở đầu tiến trình phân tách về lợi ích giữa Mỹ - Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến sự gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay sau đó cùng trong tháng 2, việc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga bỏ phiếu chấp thuận tiến trình rút nước này ra khỏi 21 công ước của Hội đồng châu Âu (EC) đã thúc đẩy tiến trình phân tách tiếp theo giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU). Đến đầu tháng 3, tiến trình phân tách giữa hệ thống tài chính của các quốc gia phát triển (G-7) với khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) được đẩy mạnh sau khi “bong bóng công nghệ” bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng ngắn hạn ở Mỹ. Tiến trình này liên tục được duy trì và đạt đến cao trào vào ngày 24-8 sau khi khối BRICS chính thức mở rộng hơn gấp đôi số thành viên hiện tại (từ 5 lên 11 thành viên) nhằm định hình một trật tự thế giới “phi đô-la hóa” thay thế cho hệ thống mà Mỹ hiện đang có ảnh hưởng chủ đạo.

Ở cấp độ khu vực vào nửa cuối năm 2023, nhiều điểm nóng xung đột đã leo thang và bùng nổ thành chiến sự ở cả ba châu lục Á – Phi – Âu. Bên cạnh đợt tổng phản công của quân đội Ukraine về phía Nga cuối tháng 6, làn sóng xung đột tiếp tục lan tỏa với chiến sự ở khu vực Nagorno – Karabath giữa Azerbaijan và Armenia vào tháng 9 cùng một loạt các cuộc đảo chính và khủng hoảng chính trị ở châu Phi. Cao điểm của làn sóng xung đột khu vực được đánh dấu bằng cuộc tấn công bất ngờ của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel giết chết hơn 1.200 người Do Thái vào ngày 7-10, khiến cho quân đội Israel (IDF) phản công toàn diện gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở toàn Dải Gaza.

Người dân Palestine chạy trốn khỏi phía Bắc Gaza. (Nguồn: FT)

Người dân Palestine chạy trốn khỏi phía Bắc Gaza. (Nguồn: FT)

Ở cấp độ quốc gia, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng rơi vào các cuộc khủng hoảng nặng nề từ bên trong. Trong đó, điển hình nhất là sự kiện thủ đô Moscow của Nga bị đe dọa bởi các hành động 'đảo chính' của tập đoàn lính đánh thuê Wagner vào ngày 24-6. Còn ở Mỹ, ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng vào đầu tháng 3, cuộc khủng hoảng nợ công đã khiến cho hệ thống lưỡng đảng của Mỹ gặp bất đồng nghiêm trọng. Sự chia rẽ trong giới lập pháp ở Mỹ đạt cao trào khi ông Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử nước này bị phế truất vào đầu tháng 10. Trong khi đó ở Trung Quốc, cả Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đều bị miễn nhiệm, và khi nước này đang phải xử lý cuộc khủng hoảng “bong bóng bất động sản” do tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) nộp đơn phá sản.

Những nỗ lực vì hòa bình

Các quốc gia thực tế đã không bỏ cuộc khi phải đối mặt với những đợt khủng hoảng liên hoàn và đã ghi dấu với nhiều nỗ lực từ tất cả các cực trong quan hệ quốc tế đương đại nhằm giữ vững và mở rộng các tiến trình hòa giải đang có. Trong đó, tiến trình “tan băng” quan hệ giữa Nhật Bản – Hàn Quốc hiện tại đã lan tỏa sang sự phục hồi cơ chế Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn dự kiến tổ chức vào cuối năm nay. Tiến trình hòa giải giữa Saudi Arabia và Israel do Mỹ thúc đẩy tuy bị đình chỉ bởi chiến sự hiện tại ở Dải Gaza, nhưng lập trường duy trì đối thoại giữa các nước Ả rập – Sunni với Israel nhằm giữ vững Hiệp định Abraham cùng với quá trình hòa giải thành công giữa Iran – Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian đã giữ được “làn sóng hòa giải” ở Tây Á.

Quá trình phân tách công nghệ và chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã có nhiều sự dịch chuyển sang định hướng “giảm rủi ro” khi cả hai cường quốc trấn giữ trật tự thế giới này đều nhận thức rõ kịch bản “cùng thua” nếu tiếp tục các định hướng xung đột. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào nửa đầu tháng 11 chính là kết quả của một loạt các chuyến thăm hàn gắn quan hệ cấp cao giữa hai nước trước đó. Từ đó mở đường cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Trung được cả thế giới mong đợi tại San Francisco vào ngày 15-11 bên lề Diễn đàn APEC 2023.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện với một loạt tiếp xúc trao đổi, trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao APEC ở San Francisco, Mỹ (15/11)

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện với một loạt tiếp xúc trao đổi, trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao APEC ở San Francisco, Mỹ (15/11)

Bên cạnh đó, năm 2023 không chỉ ghi nhận sự lan tỏa các động thái hàn gắn song phương mà còn đánh dấu những thời điểm hiếm thấy khi tất cả các cực trên thế giới cùng đồng loạt ra sức “trấn giữ” trật tự. Khi cuộc chiến giữa Israel – Hamas bùng nổ với nhiều dấu hiệu lan rộng thành chiến tranh khu vực giữa Israel với phe chủ chiến trong khối Ả rập – Hồi giáo, gần như cả thế giới đã định hình khái niệm “ngoại giao tổng lực” để cứu vãn tình hình không rơi vào kịch bản vượt tầm kiểm soát. Trong đó, không chỉ các nước lớn (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga...) mà cả khối các nước như ASEAN và nhóm quốc gia Ả rập – Hồi giáo đều cùng tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn sự lan rộng chiến sự ra bên ngoài Dải Gaza.

Có thể thấy năm 2023 đã rơi vào xung hướng “xung đột liên hoàn” như một vòng xoáy trôn ốc càng về cuối càng nặng nề. Nhưng cũng vì thế, mà các sắc màu ngoại giao trong năm 2023 càng trở nên rực rỡ, đậm màu và thể hiện rõ nét ý chí gìn giữ hòa bình của tất cả các cực dù đang là đối tác hay vẫn đối trọng với nhau trong trật tự thế giới đương đại. Dù cho các diễn biến xung đột và xu hướng phân tách vẫn đang tiếp diễn, thì con đường hòa bình vẫn đang được tất cả các bên nỗ lực trấn giữ và kiến thiết bằng các biện pháp ngày càng quyết liệt với quy mô lớn hơn.

Một năm thành công của ngoại giao Việt Nam

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam trở thành điểm sáng trong một thế giới đầy căng thẳng với hàng loạt những sự kiện ngoại giao lớn nâng tầm các mối quan hệ với các đối tác quan trọng của mình. Mở đầu cho một năm thắng lợi của ngoại giao Việt Nam có thể tính từ ngày 6 tháng 12 năm 2022, khi Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu một chặng đường mới cho quan hệ giữa hai dân tộc vốn dĩ có nhiều đặc điểm tương đồng trên phương diện văn hóa, lịch sử và còn nhiều dư địa phát triển.

Năm 2023 cũng là thời điểm đánh dấu gần 30 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ và chứng kiến lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ để cả hai quốc gia thống nhất nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Lợi ích từ các tương tác trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước không chỉ thúc đẩy cả Việt Nam và Mỹ hướng đến một cấp độ quan hệ sâu rộng hơn, mà còn góp phần định hình một nền tảng “cân bằng” cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ mở ra cho Việt Nam khả năng phát triển hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ cao, nền tảng quan trọng để phát triển đất nước trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại để “cân bằng động đa diện và liên thể chế”, Việt Nam lại thành công trong nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản vào cuối tháng 11/2023 vừa qua. Nhật Bản trở thành nước thứ 6 mà Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác ở mức cao nhất bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Mỹ. Trong xu hướng này, nhiều khả năng Việt Nam và Australia sẽ sớm nâng cấp quan hệ trong thời gian tới.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam ngày 12 và 13 tháng 12/2023 được xem là dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hai nước. Với nền tảng là tình hữu nghị song phương "vừa là đồng chí, vừa là anh em", quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được tăng cường mạnh mẽ trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Lãnh đạo hai nước nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, ra tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng 36 văn bản hợp tác cụ thể khác.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với nhiều kết quả quan trọng, trong đó có 36 văn bản hợp tác được ký kết và Việt Nam - Trung Quốc ra tuyên bố chung

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với nhiều kết quả quan trọng, trong đó có 36 văn bản hợp tác được ký kết và Việt Nam - Trung Quốc ra tuyên bố chung

Nhìn lại thế giới năm 2023 đầy chông gai nhưng đa diện, đa sắc và lấp đầy khát vọng hòa giải, hàn gắn nhằm mở ra một năm mới 2024 với nhiều hi vọng. Không chỉ thế, làn sóng các cuộc bầu cử quan trọng không chỉ ở nhiều nước lớn như Nga, Mỹ, Ấn Độ mà còn ở các “điểm nóng” như Ukraine và vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ hứa hẹn nhiều nét chấm phá mới cho năm 2024. Sự đan cài giữa hai xu hướng "hòa giải” và “xung đột” có thể vẫn tiếp diễn nhưng sẽ có xu hướng ổn định, cân bằng và thu nhỏ trước các cao trào hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề chung của cả thế giới như chống biến đổi khí hậu, gắn kết chuỗi cung ứng và nhu cầu hòa hợp giữa các hệ thống tài chính “đô-la hóa” và “phi đô-la hóa”. Với Việt Nam, năm 2023 khép lại với nhiều thành tựu ngoại giao quan trọng góp phần củng có vị thế trên trường quốc tế, tạo dựng những kết nối đa diện, chiến lược để phát triển đất nước giàu mạnh.

PGS.TS Bùi Hải Đăng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-TPHCM)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/xung-dot-dut-gay-va-nhung-no-luc-han-gan-vi-mot-the-gioi-hoa-binh-thinh-vuong_157356.html