Xung đột Hamas - Israel: Ai được hưởng lợi?

Một cuộc tấn công toàn diện tiềm tàng của Israel vào Dải Gaza có thể khiến giá dầu leo thang, lạm phát tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Tùy theo các kịch bản tình hình chiến sự giữa Israel - Hamas mà mức độ tác động sẽ khác nhau, hãng Bloomberg nhận định.

Ở kịch bản 1, khi xung đột chỉ giới hạn ở khu vực biên giới Dải Gaza, mức độ tác động lên kinh tế toàn cầu sẽ là thấp nhất.

Đối với kịch bản 2, mức độ tác động tăng lên dựa trên giả định xung đột tại khu vực này có sự tham gia của các lực lượng hẫu thuẫn phía sau Hamas.

Ở kịch bản 3, mặc dù khả năng thấp là dẫn tới chiến tranh giữa Israel và Iran, song nếu xảy ra có thể gây nên suy thoái toàn cầu.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn thế giới năm 2022 là 75,5 triệu thùng/ngày, trong đó, khối OPEC chiếm 38%, OPEC+ chiếm 22%, Mỹ chiếm 16%, các nước khác chiếm 24%.

Trên thực tế, Israel không phải là nhà cung cấp dầu lớn, nhưng việc Hamas tấn công Israel tạo nên rủi ro xung đột có thể lan rộng đến Ả Rập Xê-út và Iran, hai nước chiếm 17% tổng nguồn cung dầu thô.

Trong khi giá dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng, các nhà phân tích và quan sát thị trường chỉ ra hai tác động lớn nếu xung đột leo thang.

Trước tiên, Mỹ có thể thắt chặt hoặc tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Iran nếu nước này dính líu đến các hoạt động của Hamas.

Thứ hai, một thỏa thuận do Washington làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel, vốn có thể khiến vương quốc này tăng sản lượng dầu, có thể khiến giá dầu thay đổi.

Chuẩn dầu thô Brent đã tăng khoảng 3,5 USD/thùng lên mức 89 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Hamas bất ngờ tấn công vào Israel hôm 7/10. Sau đó, giá dầu lại giảm cho đến khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên tàu chở dầu Nga, dựa trên mức giá trần do G7 áp đặt.

Giới phân tích đã so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 - khi Ả Rập Xê-út tiên phong áp lệnh cấm vận nhắm vào các quốc gia đã hỗ trợ Israel trong chiến tranh Yom Kippur, động thái khiến giá dầu tăng mạnh.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 10 cho biết, xung đột Israel - Hamas không có tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu. Tuy nhiên, ông David Goldwyn, cựu đặc phái viên về các vấn đề năng lượng quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét các nguyên tắc cơ bản sẽ vẫn là động lực lớn đối với xu hướng giá dầu hiện nay. Trong bối cảnh xung đột kéo dài, vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn cung dầu của thế giới và những ông lớn xuất khẩu dầu có thể hưởng lợi từ vấn đề này.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, xung đột tại Dải Gaza sẽ góp phần chuyển hướng chú ý của phương Tây khỏi xung đột Nga - Ukraine - động thái được cho là có lợi cho Moscow. Theo đó, Nga có thể tận dụng cuộc xung đột Israel - Hamas để nâng cao tầm ảnh hưởng về mặt ngoại giao trong khu vực Trung Đông.

Samuel Ramani, chuyên gia phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói với CNBC: “Nga có thể coi đây là cơ hội lớn để nâng tầm ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực”.

“Nga đã hợp tác với Lebanon để ngăn xung đột lan rộng. Nga cũng tiến hành trao đổi với Iraq, Thủ tướng Iraq đến thăm Nga và hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới sự hợp tác của OPEC+. Nga cũng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập về lệnh ngừng bắn. Những điều này cho thấy Nga không bị cô lập ở Trung Đông và vẫn duy trì các mối quan hệ đối tác ngoại giao như thời kỳ trước xung đột”, ông Ramani nói thêm.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xung-dot-hamas-israel-ai-duoc-huong-loi-697571.html