Xung đột Nga - Ukraine gây áp lực không lớn lên tiền Việt

Áp lực lên tỉ giá và thị trường ngoại hối trong năm 2022 là có nhưng không lớn, trong bối cảnh dự trữngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất lịch sử.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu tăng lãi suất đồng USD nhằm kiềm chế lạm phát, cộng với tình hình chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng khiến nhiều người lo ngại năm nay tỉ giá USD/VND sẽ có nhiều biến động. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá lo lắng.

Biến động nhưng không lớn

Những ngày gần đây, tỉ giá VND/USD biến động khá thất thường nhưng nhìn chung có xu hướng tăng giữa lúc đồng USD mạnh lên. Nếu so với cuối tháng 1, giá USD đã tăng 200-300 đồng/USD tùy thị trường. Hiện giá bán USD tại các ngân hàng dao động quanh mức 22.700-23.950 đồng/USD. Còn trên thị trường tự do, giá bán USD dao động quanh mức 23.460-23.550 đồng/USD.

Áp lực lên tỉ giá trong năm 2022 là có nhưng không lớn. Ảnh: T.LINH

Áp lực lên tỉ giá trong năm 2022 là có nhưng không lớn. Ảnh: T.LINH

Công ty Chứng khoán SSI nhận định rằng diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine cũng như những thông điệp tăng lãi suất từ Fed. Áp lực đối với VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua. Nguyên nhân chính do đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục bởi cán cân thương mại nhập siêu hai tháng đầu năm ước tính 0,9 tỉ USD và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua.

Đáng chú ý, khi USD tăng giá sẽ khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đắt hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh đối với các thị trường khác ngoài Mỹ. Ngoài ra, khi đồng USD tăng giá sẽ có lợi cho Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa vào nước ta. Đó là chưa kể giá dầu liên tục leo thang sẽ kéo theo giá thành sản xuất và giá bán hàng hóa cao hơn, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng như làm tăng giá thành sản phẩm nhập khẩu.

Tuy vậy, SSI cho rằng “cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và giúp đồng VND duy trì được sức mạnh của mình”. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định việc Fed tăng lãi suất USD ảnh hưởng không quá lớn tới Việt Nam.

Chuyên gia tài chính Phan Hữu Ý phân tích: Sự biến động của tỉ giá trong năm nay khó có thể tác động tiêu cực lên thị trường vốn nói chung của Việt Nam nhờ chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, hiện nay lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mốc khoảng 110 tỉ USD và đây cũng là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam.

“Sự lớn mạnh của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là một trong các giải pháp then chốt để cơ quan chức năng sẵn sàng bán ngoại tệ khi tâm lý thị trường diễn biến bất lợi, mua ngoại tệ khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Vì vậy tôi dự báo tỉ giá sẽ tăng khoảng 2% so với cuối năm vừa qua” - ông Ý nói.

Có sẵn nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB, phân tích: Có hai yếu tố chính tác động đến tỉ giá năm 2022. Thứ nhất hãy xét về mức chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam. Nhìn vào yếu tố này thì hiện lạm phát tại Mỹ đang ở mức rất cao, tức là USD tại Mỹ cũng đang mất giá, trong khi đó tỉ lệ lạm phát tại Việt Nam tương đối thấp. Vậy nên xét về mức độ giảm giá của tiền Việt Nam nhìn từ góc độ so sánh lạm phát giữa hai nước là không nhiều.

Ngoài ra, cho dù Fed tuyên bố tăng lãi suất khoảng ba lần trong năm nay nhưng chỉ số USD-Index đo sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế có mức tăng không quá nhiều so với các đồng tiền tệ mạnh khác.

Thứ hai, xét về yếu tố mang tính cung - cầu, tức giá USD tại một thời điểm tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung, cũng có thể khiến cho đồng Việt Nam mất giá và tỉ giá sẽ có diễn biến bất lợi cho VND. Nhưng trong năm 2021, Việt Nam ghi nhận thặng dư về cán cân thanh toán, tức dòng tiền USD vẫn chảy ròng ở Việt Nam. Hơn nữa, thặng dư từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối vẫn tăng mạnh. Như vậy yếu tố cung - cầu cũng không phải là điều đáng quan ngại trong năm 2022 khi mà cơ quan điều hành đã có sẵn nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KBSV, cho rằng: Nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương với mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

“Việc mạnh lên của đồng USD có thể khiến tỉ giá USD/VND tăng nhẹ nhưng chỉ ở mức khoảng 0,5% -1% trong năm 2022. Mức tăng này không lớn nhờ nguồn cung ngoại tệ duy trì ổn định” - các chuyên gia kinh tế của KBSV dự báo.

Tuy vậy, nhiều nhà kinh doanh và chuyên gia kinh tế có chung cảnh báo, đồng USD sẽ diễn biến khó lường trong bối cảnh địa chính trị phức tạp. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Capital, nhận định trong năm 2022, tỉ giá USD/VND có thể sẽ không tăng liên tục mà có thời điểm giảm. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần lựa chọn thời điểm hợp lý để sử dụng các công cụ phái sinh nhằm phòng ngừa hiệu quả rủi ro tỉ giá. Nếu mua ngoại tệ kỳ hạn, doanh nghiệp nên mua sớm. Riêng với nhà xuất khẩu, nếu tỉ giá USD/VND càng tăng thì càng có lợi nên không phải quá quan ngại.•

Kiều hối đóng vai trò lớn

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy dù chịu tác động bởi tình hình dịch COVID-19 nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng khá mạnh. Đơn cử năm 2021, kiều hối đạt kỷ lục 18,1 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng TP.HCM, nơi thường chiếm 30% lượng kiều hối cả nước vẫn đạt mức cao 6,6 tỉ USD, tăng 20%.

Dự báo dòng kiều hối sẽ tiếp tục chảy về trong các tháng tới nhờ kiều bào hỗ trợ người thân ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhu cầu đầu tư ở Việt Nam lớn. Hiện kiều hối đang đóng một vai trò rất lớn trong thị trường ngoại tệ Việt Nam.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/xung-dot-nga-ukraine-gay-ap-luc-khong-lon-len-tien-viet-1047129.html