Xung đột Nga – Ukraine hiện chỉ tác động tâm lý lên thị trường chứng khoán

Qua diễn biến hai phiên vừa qua cho thấy tác động hiện tại của tình hình Nga – Ukraine lên thị trường chứng khoán chỉ mang ý nghĩa tâm lý. Xét trên khía cạnh tổng thể cả Nga và Ukraine đều chưa phải là đối tác thương mại, dịch vụ hàng đầu của Việt Nam, nên tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam không cao.

Đây là đánh giá về tác động của tình hình Nga - Ukraine lên thị trường chứng khoán Việt Nam của ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS), với phóng viên TBTCVN.

Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS).

*PV: Thị trường chứng khoán thế giới và trong nước đang có nhiều biến động, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Hoàng Công Tuấn: Với căng thẳng địa chính trị tại Nga – Ukraine hiện tại, thì không phủ nhận là một rủi ro cho nền kinh tế thế giới, khi nó trực tiếp gây áp lực lên giá cả một số hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu thô và khí đốt. Qua đó sẽ đẩy kỳ vọng lạm phát toàn cầu lên mức cao hơn, thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên thế giới phải hành động quyết liệt hơn trong lộ trình bình thường hóa lãi suất. Điều này khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu có mức biến động rất mạnh trong vài ngày qua.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, mặc dù xung đột giữa Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, song một số thị trường chứng khoán đã có xu hướng phục hồi trở lại sau những phiên điều chỉnh mạnh; giá dầu đã có xu hướng tạo đỉnh và điều chỉnh đi xuống. Điều này cho thấy, giới đầu tư toàn cầu đánh giá rủi ro xung đột Nga – Ukraine kéo dài và lan rộng, tác động mạnh mẽ và lâu dài một cách tiêu cực cho kinh tế toàn cầu là không cao.

Chúng tôi đánh giá xung đột giữa Nga - Ukraine sẽ không thể làm đảo ngược xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, trừ khi bị mất kiểm soát và lan sang các quốc gia khác; từ đó khiến giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt vượt ngoài khả năng chịu đựng của nền kinh tế thế giới. Theo đánh giá sơ bộ, nếu giá dầu thô bị đẩy lên mức 150 USD/thùng thì GDP toàn cầu sẽ giảm một nửa và lạm phát toàn cầu sẽ tăng gấp đôi lên trên mức 7%. Đây là một kịch bản không bên nào mong muốn trong bối cảnh nhiều nền kinh tế hàng đầu vừa thoát khỏi dịch Covid-19, và chúng tôi đánh giá nhiều khả năng sẽ không xảy ra.

Tác động của xung đột Nga – Ukraine lên thị trường chứng khoán hiện chỉ là tâm lý. Ảnh minh họa

*PV: Tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng vì lo ngại căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Ông đánh giá thế nào về tác động của diễn biến này lên thị trường chứng khoán Việt Nam? Ông dự báo thế nào về diễn biến thị trường trong ngắn hạn?

Ông Hoàng Công Tuấn: Qua diễn biến hai phiên giao dịch vừa qua, tôi đánh giá tác động hiện tại chỉ mang ý nghĩa tâm lý. Xét trên khía cạnh tổng thể cả Nga và Ukraine đều chưa phải là đối tác thương mại, dịch vụ hàng đầu của Việt Nam, nên tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam không cao.

Chúng tôi nhấn mạnh, Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng đáng kể trong kịch bản xung đột này lan rộng, kéo dài và lan sang các quốc gia khác, khiến giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt vượt ngoài khả năng chịu đựng của nền kinh tế thế giới.

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể có các phiên giao dịch rung lắc đi kèm với các thông tin về tình hình xung đột Nga- Ukraine. Sau đó thị trường lại quay trở về quỹ đạo bình thường và vận hành theo xu hướng tăng trưởng của lợi nhuận doanh nghiệp và diễn biến lãi suất, dòng tiền tại Việt Nam.

*PV: Dù rủi ro trong ngắn hạn vẫn tiềm ẩn, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn kể cả yếu tố nội tại lẫn tương quan với các thị trường khu vực. Theo ông, đâu là rủi ro lớn nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay?

Ông Hoàng Công Tuấn: Rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay chúng tôi đánh giá là yếu tố lạm phát.

Hiện tại, lạm phát trên toàn cầu đang có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao. Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang phải chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ ưu tiên chống lạm phát. Yếu tố lãi suất thấp và tiền rẻ suy giảm khiến nhiều thị trường chứng khoán đối mặt với rủi ro chuyển dịch và vùng điều chỉnh. Trên thực tế nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã điều chỉnh từ 8 - 10% kể từ mức đỉnh.

Tuy vậy, riêng tại Việt Nam, thị trường chứng khoán có sự thuận lợi khi lạm phát vẫn đang duy trì ở mức khá thấp, giúp Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ổn định ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Điều này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán đáng kể.

Nếu các yếu tố bất thường dẫn tới áp lực lạm phát tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất ngoài dự kiến, thì thị trường chứng khoán Việt Nam không thể tránh khỏi một nhịp điều chỉnh như thị trường chứng khoán thế giới.

*PV: Trong bối cảnh thị trường hiện nay, ông ưu tiên cho chiến lược đầu tư nào? Đâu là nhóm ngành tích cực có thể hấp dẫn dòng tiền?

Ông Hoàng Công Tuấn: Chúng tôi đánh giá, năm 2022 là năm của các doanh nghiệp có sự phục hồi hoặc tăng trưởng lợi nhuận vững chắc đi kèm với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi ưu tiên chiến lược đầu tư chọn lọc kỹ càng các doanh nghiệp có nền tảng tốt và có khả năng tăng trưởng lợi nhuận từ 20% trở lên. Bên cạnh đó, chúng tôi đánh giá, thị trường chứng khoán sẽ có các nhịp rung lắc trong năm 2022 do các yếu tố ngoại vi tác động từ thế giới; do đó nên ưu tiên giải ngân vào các nhịp điều chỉnh của thị trường để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Các nhóm ngành chúng tôi đánh giá cao trên góc nhìn sẽ có kết quả kinh doanh khả quan năm 2022 bao gồm bất động sản cả nhà ở và khu công nghiệp; ngành điện; ngành ngân hàng; dầu khí và bán lẻ.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xung-dot-nga-ukraine-hien-chi-tac-dong-tam-ly-len-thi-truong-chung-khoan-100843.html