Xung đột ở Ukraine: Trừng phạt trả đũa, sự rạn nứt Nga-EU là vĩnh viễn, túi tiền của Moscow vẫn đầy?

Các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã thu về 2 nghìn tỷ USD trong hơn 8 tháng xung đột tại Ukraine. Sự thiếu hụt năng lượng Nga khiến các nước châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhưng một số quốc gia lại không đủ nguồn lực tài chính.

Theo IEA, các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Nga, đã thu về 2 nghìn tỷ USD trong 8 tháng xung đột tại Ukraine.Trong ảnh: Trạm nén khí của đường ống Yamal ở Gabinek, gần Wloclawek, Ba Lan đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Theo IEA, các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Nga, đã thu về 2 nghìn tỷ USD trong 8 tháng xung đột tại Ukraine.Trong ảnh: Trạm nén khí của đường ống Yamal ở Gabinek, gần Wloclawek, Ba Lan đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Âu đạt mức kỷ lục sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine (24/2), khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng, lục địa này đang sẵn sàng tăng tốc trong sản xuất năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại dự báo, lượng khí thải của châu Âu sẽ được cắt giảm “nhờ” suy thoái kinh tế, chính sách thắt lưng buộc bụng và phi công nghiệp hóa trong năm tới.

Nhận định trái chiều

Theo báo cáo của các tổ chức nghiên cứu năng lượng E3G và Ember, từ tháng 3 đến tháng 9, điện năng được tạo ra từ điện mặt trời và gió ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỷ lục 13% so với cùng kỳ năm trước, từ 311 Terawatt/giờ (TWh) lên 350TWh.

Vào thời điểm Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu như hiện nay, làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất điện, thành tích về năng lượng tái tạo của châu lục này dường như có ý nghĩa đặc biệt. Đây được cho là nguồn cung cấp năng lượng đảm bảo với giá cả ổn định.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Nga, đã thu về 2 nghìn tỷ USD trong thời gian diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.

E3G và Ember cho biết, việc sản xuất điện mặt trời và điện gió của EU đã giúp khu vực này không phải nhập khẩu khoảng 70 tỷ m3 khí đốt, trị giá 99 tỷ USD.

Artur Patuleia, một trong những tác giả của báo cáo trên, cho biết: “Xung đột có hai tác động: Đẩy nhanh việc triển khai các dự án đã và đang trong quá trình thực hiện và thúc đẩy tham vọng chuyển đổi sang năng lượng sạch của các quốc gia thành viên EU”.

Trong khi đó, Giáo sư Jonathan Stern, người đứng đầu Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, ít lạc quan hơn.

Ông nói: “Chúng ta đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế lớn ở châu Âu. Tôi nghĩ nó có thể còn tồi tệ hơn cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 năm 2020, dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa, buộc các ngành công nghiệp phải chuyển sang Trung Đông và Mỹ. Không điều gì trong số đó là tín hiệu tốt và chúng cho thấy sự bất ổn chính trị”.

Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như luyện kim, cho biết, giá năng lượng cao có thể khiến họ phải di dời nhà xưởng khỏi châu Âu.

Giáo sự Stern nhận định, năng lượng tái tạo sẽ vẫn hấp dẫn, nhưng các chính phủ châu Âu sẽ không có đủ tiền để mở rộng quy mô vì họ đã cam kết hỗ trợ 500 tỷ USD cho ngành công nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.

Con số này cao gấp đôi so với việc EU đang cung cấp các khoản bảo lãnh cho vay đối với năng lượng tái tạo thông qua Quỹ phục hồi trong giai đoạn 2020-2027.

Về khoản tiền 500 tỷ USD, ông Stern nói: “Lo sợ người dân sẽ bị ngắt nguồn cung năng lượng, các chính phủ sẵn sàng cam kết gần như bất kỳ khoản tiền nào để ngăn chặn điều này.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề là có vẻ như đầu tư vào năng lượng tái tạo đang chậm lại, ít nhất là ở nhiều nước châu Âu. Cách để khắc phục điều này là các chính phủ phải vào cuộc và chi tiền để đảm bảo tiến trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, các chính phủ đang thiếu tiền”.

Tác động từ xung đột

IEA tin rằng, sự rạn nứt năng lượng giữa EU và Nga là vĩnh viễn.

Than của Nga đã không được nhập vào EU từ tháng 8, dầu thô sẽ ngừng chảy trong tháng 12 tới và các sản phẩm dầu tinh luyện bị cấm cửa vào tháng 2/2023, như một phần của lệnh trừng phạt EU áp đặt lên Moscow liên quan tới xung đột ở Ukraine.

Để trả đũa, Nga đã cắt giảm 80% lượng khí đốt cấp cho châu Âu so với năm ngoái.

Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới thường niên, IEA nhận định, việc mất nguồn cung khí đốt của Nga đã dẫn đến việc EU phụ thuộc nhiều hơn vào than.

Nhưng báo cáo cũng có đoạn: “Trong tất cả các kịch bản của chúng tôi (IEA), EU bù đắp cho sự mất nguồn cung từ Nga bằng quá trình chuyển đổi nhanh chóng khỏi khí đốt tự nhiên thông qua việc tăng cường bổ sung năng lượng tái tạo”.

Điều này dẫn tới một số hiệu ứng mang tính toàn cầu. Nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập niên đã đáp ứng khoảng 80% tổng nhu cầu năng lượng.

Lần đầu tiên, IEA đánh giá con số này sẽ giảm xuống 75% vào năm 2030 và 60% vào năm 2050. Nếu những cam kết được thực hiện, những tỷ lệ đó có lẽ sẽ giảm hơn nữa.

Để trả đũa các biện pháp trừng phạt từ EU, Nga đã cắt giảm 80% lượng khí đốt cấp cho châu Âu so với năm 2021. (Nguồn: Export.org.uk)

Để trả đũa các biện pháp trừng phạt từ EU, Nga đã cắt giảm 80% lượng khí đốt cấp cho châu Âu so với năm 2021. (Nguồn: Export.org.uk)

IEA cũng dự báo, đầu tư hằng năm trên toàn cầu vào năng lượng tái tạo sẽ tăng gần gấp đôi, lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, sự đầu tư đó không đủ để đáp ứng mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, đây cũng đã là một sự cải thiện lớn.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Đây có thể là một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn nhờ phản ứng chưa từng có từ các chính phủ trên thế giới”.

Mặt tích cực của khủng hoảng năng lượng

Trên hành trình hướng tới một tương lai sử dụng năng lượng xanh, châu Âu đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng.

Theo IEA, trong 5 năm sau Hiệp định Paris (ký năm 2015), nơi các thành viên Liên hợp quốc cam kết hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ C vào năm 2100 và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850), đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo ở mức 1 nghìn tỷ USD/năm.

Năm 2020, trong thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19, châu Âu tung ra gói kích thích trị giá 730 tỷ USD, thông qua Quỹ phục hồi, trong đó dành 37% cho sản xuất điện tái tạo. Điều này nhằm giúp thực hiện mục tiêu 32% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Vào năm 2021, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, EU đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng 40% tổng năng lượng vào năm 2030.

Ba tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã nâng mục tiêu trên lên 45%.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng bao gồm sản xuất điện, vận chuyển, sưởi ấm và làm mát. Để đáp ứng yêu cầu này, cần sản xuất ít nhất 69% điện năng từ năng lượng tái tạo.

E3G và Ember tin rằng, tham vọng của một số quốc gia thành viên đã vượt xa mục tiêu đó. Bồ Đào Nha, Áo, Đan Mạch và Hà Lan có kế hoạch sản xuất tất cả điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, trong khi Đức và Tây Ban Nha có kế hoạch sản xuất khoảng 80% vào thời điểm đó.

Vào tháng 7, Ủy ban châu Âu yêu cầu các quốc gia tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng. Các nhà phân tích nói rằng, hầu hết các quốc gia đã đạt được mức này.

Giáo sư Stern nhận định: “Suy thoái sẽ giúp giảm lượng khí thải toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Thế giới đã ghi nhận điều này trong đại dịch Covid-19, khi các nước phong tỏa để phòng dịch, dẫn đến việc sử dụng năng lượng giảm 4% và lượng khí thải giảm 5,8% - mức lớn nhất từ trước đến nay.

Mọi người đang nói, khủng hoảng năng lượng là một điều tốt, bởi vì dù sao chúng ta cũng phải cắt giảm lượng khí thải”.

(theo Aljazeera)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-o-ukraine-trung-phat-tra-dua-su-ran-nut-nga-eu-la-vinh-vien-tui-tien-cua-moscow-van-day-204880.html