Xung đột tài chính ở F1: Khi nhà giàu cũng... khóc

Không phải đến bây giờ khi đại dịch Covid-19 'càn quét' và làm tê liệt thể thao thế giới thì ban tổ chức giải đua xe Công thứ 1 (F1) mới ban hành giới hạn chi tiêu của các đội đua. Cuộc chiến đòi lại 'quyền bình đẳng' của các đội đua nhỏ và trung bình với các 'ông lớn' lâu nay vốn 'mạnh vì gạo bạo vì tiền' đã âm ỉ từ lâu, đến bây giờ mới có dịp bùng phát mạnh mẽ.

Ngay từ giữa năm 2019, Ủy ban điều hành F1 đã nhóm họp cùng các đại diện đội đua để đưa ra thống nhất về giới hạn chi tiêu trong một mùa. Ban đầu, cơ quan này đề xuất mỗi đội không được chi tiêu quá 150 triệu USD mỗi mùa. Con số này không bao gồm tiền lương cho các tay đua, động cơ, marketing và hậu cần cùng với chi phí đi lại, ăn ở cho những chặng đua vào cuối tuần. Nhưng sau gần một năm thảo luận, đặc biệt là tác động nặng nề mà đại dịch Covid-19 gây ra, F1 đã đề xuất mức giới hạn lên 175 triệu USD và sau giảm xuống còn 145 triệu USD. Thậm chí, cũng có thông tin cho rằng, F1 đang tính tới phương án giảm giới hạn chi tiêu mỗi đội xuống còn 120 đến 125 triệu USD, trong bối cảnh nhiều đội đua đang vật vộn về tài chính và trên bờ vực phá sản. Đặc biệt, số tiền này bao gồm tất cả các chi phí: Nghiên cứu và phát triển, trả lương nhân viên hay các khoản phụ phí khác.

Đề xuất này của F1 đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đội bóng nhỏ và trung bình, song nó đã mang đến một sự chia rẽ lớn giữa các đội, nhất là với những đội đua lớn có tham vọng vô địch. Trong một động thái mới nhất, “ông lớn” Ferrari tuyên bố sẵn sàng rời khỏi cuộc chơi nếu như F1 thắt chặt chi tiêu các đội. Đội trưởng của Ferrari Mattia Binotto thẳng thắn: “Giới hạn 145 triệu USD đã là một đòi hỏi quá khắt khe. Chúng tôi chấp nhận con số đó đã là một sự hy sinh, đặc biệt là với nguồn nhân lực của chúng tôi. Nếu còn thấp hơn nữa, chúng tôi không muốn mình ở vị trí phải lựa chọn”.

 “Ông lớn” Ferrari dọa rời khỏi cuộc chơi F1. Ảnh: Getty Images

“Ông lớn” Ferrari dọa rời khỏi cuộc chơi F1. Ảnh: Getty Images

Kể từ năm 1950, F1 đã không giới hạn chi tiêu của các đội kể từ khi nhiều chặng đua được tổ chức. Việc F1 giới hạn ngân sách chi tiêu trong mùa giải năm nay nhằm hạn chế thói quen vung tiền kéo dài hàng chục năm qua mà không bị kiểm soát của các đội lớn. Họ được các tỷ phú và các tập đoàn khổng lồ có tài chính hùng mạnh hậu thuẫn và sử dụng chúng để tăng cơ hội chiến thắng trên đường đua. Cũng vì thế mà ngân sách hằng năm của các đội đua hàng đầu lên đến hàng trăm triệu USD, trong khi những đội đua nhỏ chỉ hoạt động với khoảng 25% trong số đó. Ví dụ năm 2018, ngân sách hoạt động của “ông lớn” Ferrari lên tới 384 triệu USD. Bởi vậy, nếu chi phí vận hành chỉ được giới hạn 175 triệu USD hoặc 145 triệu USD thì Ferrari buộc phải thực hiện một cuộc “cách mạng” về nhân sự.

Những năm qua, trong nỗ lực theo kịp các đội đua lớn, những đội đua nhỏ và trung bình thường chi tiêu vượt quá khả năng bằng cách vay mượn. Số tiền lãi phải thanh toán nhanh chóng đẩy họ đến bờ vực phá sản và trong 10 năm qua, 4 đội đua đã phải rời cuộc chơi. F1 là sân chơi hái ra tiền, song chi phí bỏ ra vận hành đội đua trong một năm cũng không phải là nhỏ. Đối với các đội không tiệm cận được đến ngôi vô địch thì gánh nặng tài chính càng khiến họ rơi vào nợ nần, thậm chí dẫn đến phá sản.

Suy cho cùng, giới hạn chi tiêu của F1 cũng giống như Luật công bằng tài chính trong bóng đá mà Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) áp dụng thành công trong nhiều năm qua. Cũng bởi lẽ đó, việc F1 ban hành giới hạn chi tiêu mỗi đội giống như một bước đột phá nhằm bảo vệ tính công bằng giữa các đội đua, hạn chế thói vung tiền vô tội vạ để hướng tới một “ngôi nhà” F1 phát triển bền vững. Có tiền nhưng phải tiêu trong giới hạn- đó là tình cảnh chung của những đội đua lớn như: Ferrari, McLaren, Red Bull hay Mercedes. Đúng là nhà giàu cũng... khóc.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/xung-dot-tai-chinh-o-f1-khi-nha-giau-cung-khoc-617477