Xung kích nơi tuyến đầu chống dịch

Đứng chân trên vùng biên giới Tây Nam, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần 'vì nhân dân quên mình', 'vì nhân dân hy sinh', cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân xã Đại Ân 2 (Trần Đề, Sóc Trăng).

Những ngày qua, cùng với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng liên tục ghi nhận nhiều ca F0. Để hỗ trợ địa phương, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã điều động hơn 170 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, tuần tra, canh gác tại các khu cách ly.

Theo Thượng tá Lê Văn Giúp, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 330: Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, tuần tra, canh gác tại các khu cách ly là nhiệm vụ mới đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Do vậy, trước khi cơ động về địa phương, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị đã phối hợp với Bệnh viện Quân y 120, Bệnh viện Quân y 121 tổ chức tập huấn quy trình và công tác bảo đảm an toàn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Vì vậy, ngay sau khi ổn định nơi ăn, ở, sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ đã sát cánh cùng với địa phương nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ. “Chúng tôi chia làm 6 bộ phận, thực hiện nhiệm vụ tại các huyện: Trần Đề, Kế Sách, Châu Thành và Long Phú. Tính từ cuối tháng 10 đến nay, cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức lấy được hơn 214.000 mẫu test nhanh Covid-19; phun thuốc sát khuẩn và phục vụ tại 13 khu cách ly tập trung, canh gác tại 30 điểm chốt phòng, chống dịch với gần 1.400 ngày công. Đơn vị còn cử lực lượng phục vụ nấu ăn tại 3 bếp thuộc các khu cách ly, sang chiết hơn 2.500 bình oxy để điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến; tăng cường lực lượng giúp y tế địa phương tổ chức tiêm vaccine cho người dân”, Thượng tá Lê Văn Giúp cho biết.

Có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt), phường 6, TP Sóc Trăng, chúng tôi chứng kiến sự tận tình, đầy trách nhiệm với người dân của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330. Trung sĩ Dương Hoài Phương, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 8, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20 cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi đều dậy sớm để thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại khu điều trị, giặt ủi chăn màn cho bệnh nhân. Dẫu biết công việc đầy khó khăn, nguy hiểm, nhưng chúng tôi luôn xác định lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi tuyệt đối chấp hành nghiêm quy định 5K”.

Thăm hỏi, động viên các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng bày tỏ: “Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng ghi nhận, đánh giá cao những việc làm đầy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330. Các đồng chí về đây rất kịp thời, giúp tỉnh giảm được áp lực rất lớn trước những khó khăn về nhân lực, tô thắm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới và càng thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân”.

Hưởng ứng Phong trào “Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn xung kích, sáng tạo, đoàn kết, chung tay đánh bay đại dịch Covid-19”, Sư đoàn 330 còn tổ chức được 4 Chương trình “Chuyến xe yêu thương-Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”. Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 cho biết: “Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống người dân, sư đoàn đã triển khai Chương trình “Chuyến xe yêu thương-Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19” nhằm hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ mô hình “Hũ gạo quân dân”, rau, củ, quả, cá từ tăng gia sản xuất, đơn vị đã tặng hơn 1.000 phần quà hỗ trợ người dân trong khu cách ly, khu vực phong tỏa của tỉnh An Giang và Kiên Giang, gia đình cán bộ ở các khu nhà công vụ, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng”.

Ông Trịnh Hoàng Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) tâm sự: “Là địa phương có địa bàn rộng, dân số đông, việc Sư đoàn 330 tặng mỗi gia đình một phần quà, gồm 10kg gạo, 20kg cá, rau, củ, quả... là nghĩa cử rất cao đẹp. Việc làm đó góp phần đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống người dân. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên rất kịp thời để san sẻ khó khăn cho bà con, cùng nhau chiến thắng đại dịch”.

Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, Sư đoàn 330 đã cử hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cơ động giúp nhân dân tỉnh An Giang thu hoạch, vận chuyển nông sản. Đại tá Lê Văn Việt, Phó chính ủy Sư đoàn 330 khẳng định: “Cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao ý chí, quyết tâm, coi đây là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích nơi tuyến đầu chống dịch. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 luôn sẵn sàng giúp dân với tinh thần “Ở đâu nhân dân cần, ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội”.

P.V (theo QĐND)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-phong/192967/xung-kich-noi-tuyen-dau-chong-dich