Xung quanh chuyện trí tuệ nhân tạo

Thời gian gần đây, chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) làm thơ đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận. Nhiều người cho rằng, AI chỉ là cái 'máy làm thơ' nên nó vô cảm, vô hồn, không có sự xúc động của trái tim như con người và không có được sự phát hiện của tư duy suy tưởng và tư duy thẩm mỹ như con người.

Ngược lại, không ít người cho rằng, tốc độ làm thơ của AI hơn hẳn con người, với mỗi đề tài thơ, AI chỉ làm trong chừng chục giây là xong, trong khi con người phải mất cả ngày hoặc cả tuần mới viết xong một bài thơ. Họ cũng nhận xét, tuy thơ của AI làm không thể bằng những nhà thơ tài năng xuất sắc, nhưng thơ AI có thể hay hơn thơ của nhiều người đang sáng tác?

Phép thử trực tiếp với trí tuệ nhân tạo

Để làm rõ chuyện này, tôi đưa ra một phép thử dưới đây, để xem ai là người thắng, giữa con người làm thơ và "máy làm thơ"? Tôi đưa ra một trong những bài thơ hay nhất của tôi là bài "Ta của Xứ Đoài" sau đây: “Thanh thản ruộng đồng thanh thản quê/ Trời trong mây biếc rủ ta về/ Sông quê thiêm thiếp đôi bờ cỏ/ Mơn mởn mùa trăng giăng gió mê/ Ta của Xứ Đoài, ta của em/ Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen/ Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi/ Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên/ Ta học mùa xuân cách tặng hoa/ Đến nở cùng em dưới mái nhà/ Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ/ Ta bờ bến cũ, Em - phù sa/ Sông dài mưa bụi chảy trong mơ/ Ta học sông quê cách yêu bờ/ Mùa đi thăm thẳm bao khao khát/ Lúc vỗ về em. Lúc sóng xô/ Ta học cô đơn cách giãi bày/ Tìm lời tâm sự với heo may/ Học cây cách nhớ chim tu hú/ Để vắng xa kia gió lấp đầy”.

Sau đó, tôi ra đề bài cho AI: “Làm bài thơ 7 chữ đề tài "Ta của Xứ Đoài". Chỉ trong khoảng 10 giây AI đã trả bài như sau: “Ta lớn lên giữa trời Xứ Đoài/ Gió ngàn bay về nhuộm tóc ai/ Nắng vàng trải lụa trên đồng lúa/ Mây trắng phiêu du, nước trôi dài/ Ta của cánh cò chiều mênh mông/ Đất mẹ ôm trọn giấc mơ hồng/ Dòng sông uốn lượn như dải lụa/ Hồn quê thắm mãi sắc hoa đồng/ Ta đi xa nhớ hương sen cũ/ Mùi rơm thơm, gió nội đong đầy/ Xứ Đoài chở nặng tình đất nước/ Đưa ta về giữa mộng trời mây”.

Tôi ra tiếp đề bài thứ 2 cho AI: “Làm bài thơ lục bát đề tài "Ta của Xứ Đoài". AI trả bài ngay trong khoảng 10 giây như sau: “Ta về với gió Xứ Đoài/ Thơm hương đồng nội, mây cài lưng non/ Bến sông vẫn đợi hoàng hôn/ Mái chèo khua nhẹ, tiếng con sáo chiều./ Đường làng xanh mướt hàng tiêu/ Hồn quê vương vấn, sớm chiều nhớ mong./ Cây đa nghiêng bóng bến sông/ Nước trong soi bóng ta lòng thảnh thơi/ Ta đi xa mãi phương trời/ Mà nghe nhung nhớ ngọt lời gió quê/ Xứ Đoài nơi ấy ta về/ Bình yên tựa mái nhà che đời mình”.

Tôi lại ra tiếp đề thứ 3 cho AI: “Làm bài thơ 5 chữ đề tài "Ta của Xứ Đoài". Trí tuệ nhân tạo AI trả bài trong khoảng 10 giây như sau: “Ta về Xứ Đoài xanh/ Gió thoảng hồn quê cũ/ Cánh diều bay trong nắng/ Nghe đời vui nhịp thu/ Đồng lúa vàng ươm mật/ Mây trắng vắt ngang trời/ Dòng sông trôi lặng lẽ/ Chở đầy mộng ước trôi/ Ta lớn từ cỏ nội/ Từ bóng núi mờ xa/ Xứ Đoài là quê mẹ/ Nơi ta mãi trở về”.

Nhận xét về 3 bài thơ AI đã làm nói trên, một số người cho rằng, so với bài thơ tôi viết, AI viết kém hơn, thiếu sự tinh tế về cảm xúc và thiếu sự khắc họa ấn tượng về mặt hình ảnh, và quan trọng là sự sáng tạo mới về chất thơ là không có. Cụ thể, AI không thể nào viết được câu thơ hay có hình ảnh của các địa danh nổi tiếng của Xứ Đoài với các liên tưởng đầy chất thơ như sau:

Ta của Xứ Đoài, ta của em
Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen
Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi
Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên.

Hoặc:

Ta học mùa xuân cách tặng hoa
Đến nở cùng em dưới mái nhà
Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ
Ta bờ bến cũ, Em - phù sa

Và, nhất là khổ thơ cuối:

Ta học cô đơn cách giãi bày
Tìm lời tâm sự với heo may
Học cây cách nhớ chim tu hú
Để vắng xa kia gió lấp đầy

Có ý kiến nhận xét, AI có khả năng làm thơ dựa trên việc học từ dữ liệu lớn và các quy tắc ngôn ngữ, nhưng nó vẫn còn những giới hạn khiến cho thơ của AI không thể đạt đến độ tinh tế và cảm xúc sâu sắc như thơ do con người sáng tác. Mặc dù AI có thể tạo ra những bài thơ có cấu trúc và vần điệu đúng ngữ pháp, nhưng vẫn tồn tại nhiều nhược điểm khi viết thơ so với con người. Chỉ có điểm hơn là, AI làm mỗi bài thơ trong có 10 giây, còn tôi khi làm bài thơ "Ta của Xứ Đoài" năm 2000 in Báo Văn nghệ phải tốn khoảng nửa ngày và dựa trên trải nghiệm của nhiều năm sáng tác.

AI thừa nhận viết thơ không hay bằng con người

Đáng chú ý, trong việc làm thơ, ngay bản thân AI cũng phải thừa nhận rằng: AI chỉ xử lý ngôn ngữ dựa trên sự liên kết giữa các từ và ngữ pháp, nhưng không thực sự hiểu ngữ cảnh sâu sắc của một tình huống, một sự kiện hay một chủ đề. Điều này dẫn đến thơ của AI có thể hợp lý về mặt ngữ pháp nhưng thiếu chiều sâu về ý nghĩa và sự gắn kết với cảm xúc thực tế. AI dựa vào các mẫu dữ liệu lớn từ các bài thơ và ngôn ngữ mà nó đã học, nhưng thiếu khả năng sáng tạo thực sự. Những bài thơ của AI thường theo một khuôn mẫu nhất định, khó có được sự phá cách, sáng tạo mới lạ hay ngẫu hứng bất ngờ, những yếu tố thường làm nên một bài thơ độc đáo.

Ảnh minh họa trí tuệ nhân tạo AI.

Ảnh minh họa trí tuệ nhân tạo AI.

Mặt khác, thơ ca không chỉ là sự sắp xếp từ ngữ mà còn là cách thể hiện những cảm xúc phức tạp và sâu xa mà con người trải qua. Con người sáng tác thơ từ những trải nghiệm cá nhân, từ nỗi buồn, niềm vui, sự cô đơn, tình yêu, hay nỗi đau. AI không có khả năng cảm nhận và trải nghiệm những cảm xúc này, do đó thiếu đi chiều sâu cảm xúc thật sự. Thơ ca thường sử dụng nhiều biểu tượng, ẩn dụ để truyền tải những ý tưởng trừu tượng và cảm xúc một cách tinh tế. AI có thể sử dụng các ẩn dụ đã học từ dữ liệu, nhưng khó có thể hiểu hoặc tạo ra những ẩn dụ mới mẻ và độc đáo mà không rơi vào sự máy móc hoặc sáo mòn.

Nhưng cũng có ý kiến cho biết: “AI mới có 5 tuổi như đứa trẻ nói chưa sõi mà nó sáng tác một bài thơ chỉ tốn chục giây thôi; nếu ta đợi nó đến 10 tuổi, 15 tuổi thì con người sẽ kinh hồn với nó”? Một ý kiến khác: “Hoan nghênh AI sẽ loại bỏ được 99% số nhà thơ không có gì sáng tạo độc đáo”. Còn người khác lại nhấn mạnh: “Dù phiên bản AI có cao tới đâu thì nó vẫn được huấn luyện từ những giai điệu có sẵn của con người, tuyệt đối không bao giờ có sáng tạo gì ngoài những gì con người đã sáng tạo”. Có nhà thơ còn cảnh báo: “Các biên tập viên của báo, đài, nhà xuất bản, giám khảo các hội đồng thi, tuyển chọn, xét kết nạp hội viên phải nâng cao tay nghề, phải cảnh giác cao độ không thì AI nó “cắm sừng” các vị như bỡn khi thật giả lẫn lộn, khó mà phát hiện cái nào do AI, cái nào do con người làm ra”!?

Đáng chú ý, khi tôi đặt vấn đề về việc “AI không thể có những sáng tác thơ hay và độc đáo như con người”, thì AI cũng phải thừa nhận những nhược điểm trong việc sáng tạo thi ca của mình: Thơ ca không chỉ mang tính chất nghệ thuật, mà còn là nơi thể hiện suy tư, triết lý sâu sắc về cuộc sống, nhân sinh. AI không có khả năng suy nghĩ hay phân tích triết lý về những vấn đề lớn như con người, và do đó các bài thơ của AI thường thiếu chiều sâu về tư tưởng. AI không có cảm xúc hay kinh nghiệm sống, vì vậy thơ của AI thiếu đi sự sâu lắng và tinh tế từ những trải nghiệm cá nhân mà con người mang vào bài thơ. Những cảm xúc như tình yêu, nỗi đau, sự cô đơn hay niềm hạnh phúc thường xuất phát từ trải nghiệm riêng của người viết, điều mà AI không thể có.

Sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt trong thơ ca, thường dựa trên sự trực giác và cảm hứng bất ngờ. Con người có khả năng phá vỡ những quy tắc, sáng tạo ra hình ảnh mới lạ, hoặc dùng ngôn từ một cách tinh tế để gợi mở ý nghĩa. AI chỉ có thể dựa vào các mẫu đã học và khó có khả năng tạo ra những biểu đạt độc đáo mà không dựa trên dữ liệu trước đó. Và các bài thơ do AI tạo ra có thể lặp lại những ý tưởng, hình ảnh và cách diễn đạt đã quá quen thuộc. Điều này dẫn đến sự nhàm chán và thiếu tính đột phá trong sáng tác.

Thơ ca thường phản ánh đặc điểm văn hóa, lịch sử và xã hội cụ thể của một thời đại hoặc một vùng đất. AI không thể hiểu rõ được các sắc thái văn hóa này và có thể gặp khó khăn trong việc phản ánh chúng một cách chân thực và tinh tế trong thơ. Con người sáng tác thơ trong một bối cảnh văn hóa, lịch sử, và xã hội cụ thể. Những bài thơ hay thường phản ánh các yếu tố văn hóa đặc trưng, tinh tế của một dân tộc hay một thời kỳ. AI chỉ hiểu ngôn ngữ dựa trên dữ liệu thu thập, mà không hiểu được ý nghĩa ẩn sau những yếu tố văn hóa và bối cảnh đó. Mặc dù AI có thể sản xuất ra những bài thơ có cấu trúc tốt, nhưng khó có thể thay thế sự tinh tế và cảm xúc của thơ do con người viết.

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/xung-quanh-chuyen-tri-tue-nhan-tao-i748130/