Xuống giống sớm để tránh mặn

Do tác động từ hiện tượng El Nino, dự báo, xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 sẽ khốc liệt và ảnh hưởng lớn đến canh tác. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo nông dân nên xuống giống sớm để tránh hạn mặn.

Nông dân xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân để tránh ngập mặn.

Nông dân xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân để tránh ngập mặn.

Theo Cục Trồng trọt, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã đạt xấp xỉ 6 triệu tấn gạo. Mặc dù đối diện với nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, thủy văn nhưng năm nay là năm năm thắng lợi về sản xuất lúa gạo khi vừa trúng mùa, trúng giá.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, giá lúa gạo những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục ở mức khả quan cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.

“Nhu cầu về gạo trên thị trường vẫn còn khá cao do nguồn cung hạn hẹp bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Vấn đề thứ hai là Indonesia vẫn có nhu cầu số lượng lớn từ nay đến cuối năm. Thứ ba là Philippines có khả năng giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 10%. Thứ tư là nguồn cung của Việt Nam không còn dồi dào do đã hết vụ” - ông Tùng nhận định.

Tuy khả quan về mặt thị trường, giá cả nhưng nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với những yếu tố bất lợi của thời tiết trong vụ Đông Xuân sắp tới.

Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024 với xác suất trên 95%. Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam Bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mê Kông, đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023 - 2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL được dự báo sớm và sâu hơn.

Trước những yếu tố bất lợi trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân từ ngày 10 đến 30/10/2023 ở những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang). Đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để tránh mặn xâm nhập.

Cục Trồng trọt cho rằng, mặc dù xuống giống lúa Đông Xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa và thường cho năng suất không cao. Tuy nhiên, việc xuống giống sớm lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn do vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa -1 màu.

“Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo thêm, ngay cả những vùng nước ngọt, không bị xâm nhập mặn chúng ta cũng xuống giống sớm. Lý do là dự báo giá lúa có thể cao cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá lúa có thể cao khi nhu cầu của Indonesia và Philippines vẫn còn cao. Chúng ta nên xuống giống sớm để có lúa sớm, bán được giá cao, doanh nghiệp và nông dân điều có lợi” - ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Cục Thủy lợi, vụ lúa - tôm (tổng diện tích khoảng 162.000 - 170.000ha) canh tác tại khu vực Bán đảo Cà Mau bắt đầu gieo trồng tháng 9 và thu hoạch lúa tháng 1/2024, sau đó thả tôm. Với dự báo mùa mưa kết thúc sớm, khả năng xảy ra thiếu nước cho diện tích khoảng 108.000ha vì đây là vùng chủ yếu phải sử dụng nước mưa để cung cấp cho sản xuất.

Đối với vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024, trường hợp xâm nhập mặn như năm 2015-2016, dự báo vùng ảnh hưởng khoảng 66.000ha (Long An 5.600ha, Tiền Giang 13.000ha, Bến Tre 12.000ha, Trà Vinh 15.000ha, Sóc Trăng 20.000ha). Đối với vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh với tổng diện tích gần 43.300ha (Long An 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 16.000ha, Sóc Trăng 3.400ha). Các địa phương khác tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn nhưng cần đề phòng hạn hán, thiếu nước trường hợp diễn biến nguồn nước bất thường xuất hiện.

THANH TIẾN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xuong-giong-som-de-tranh-man-5728420.html