Xuyên không gian hỗ trợ F0 Đắk Lắk trị bệnh tại nhà
Khoảng cách địa lý, đặc thù công việc không còn quan trọng khi hơn 50 thành viên của nhóm hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk đã cùng nhau kết thành mạng lưới giúp những bệnh nhân đang cách ly, điều trị COVID-19. Rất nhiều người không kịp ăn sáng, ăn tối khi bệnh nhân quá tải.
Bác sĩ ơi, giúp tôi với!
Đó là một trong nhiều lời nhờ tư vấn của F0 hoặc người nhà bệnh nhân khi liên hệ đến đường dây nóng của Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk.
Chị Nguyễn Thị Thiết (Điều dưỡng tại Phòng khám Đa khoa Thu Sa, TP. Buôn Ma Thuột), tình nguyện viên của nhóm cho hay: "Mỗi ngày, tôi tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi đề nghị được hỗ trợ. Họ khá lo lắng nên tôi phải động viên hướng dẫn đăng ký vào nhóm thông qua 1 App khám bệnh từ xa và kê khai tình trạng bệnh. Nếu có các dấu hiệu bệnh nặng, chúng tôi tư vấn vào bệnh viện ngay. Trường hợp không đến mức nặng, bác sĩ sẽ ưu tiên khám những ca có triệu chứng nhiều hơn. Trong quá trình chờ bác sĩ khám, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách xử lý bước đầu để tránh lây nhiễm trong gia đình…”, vừa chia sẻ, điện thoại chị Thiết vừa reo lên.
Ngoài chị Thiết, đồng nghiệp cùng nơi làm việc với chị cũng tham gia Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk.
Sau hơn 1 tuần điều trị F0 tại nhà, bà Trần Thị Kim L. (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) nở nụ cười hạnh phúc chia sẻ, rất cảm ơn chương trình đã tư vấn, hỗ trợ bà trong suốt thời gian điều trị.
“Tôi đã có kết quả xét nghiệm SASR-CoV-2 âm tính được 5 ngày rồi nhưng vẫn chưa ra khỏi nhà, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo lời khuyên của bác sĩ. Tôi rất biết ơn các bác sĩ và các thành viên trong Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk”, bà L. nói và cho biết, bị mắc COVID-19 qua 1 người bạn.
Sau khi biết mình tiếp xúc với F0, bà L. chủ động cách ly tại nhà, đến ngày thứ 5 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Được người quen giới thiệu, bà L. biết qua nhóm và thực hiện sát khuẩn mũi, họng, hít thở đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có con bị F0 đang điều trị tại nhà, anh Nguyễn Đức Trí (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, thường xuyên được Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk liên hệ nắm bắt sức khỏe của con. “Con tôi mắc COVID-19 vào ngày thứ 4 nên bị sốt. Tôi thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc, liều lượng cũng như cách hạ sốt an toàn cho con. Tôi rất biết ơn nhóm bác sĩ đã hỗ trợ gia đình tôi và các trường hợp mắc COVID-19 khác”, anh Trí tâm sự.
Bà L., anh Trí là một trong hàng nghìn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk tư vấn trong hơn 2 tháng qua.
Nhiều tình nguyện viên không kịp ăn sáng, tối
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hòa Anh (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh), người lập nên Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk cho biết: “Khi TP. Hồ Chí Minh vừa qua “đỉnh dịch” và có thông tin biến thể Omicron xuất hiện tại Việt Nam, tôi đã đăng ký học phương pháp điều trị F0 từ xa. Sau đó, tôi được nhóm bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh cho sử dụng phần mềm khám bệnh từ xa miễn phí. Thông qua mạng xã hội, tôi kêu gọi được 150 bác sĩ, dược sĩ, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ F0. Tuy nhiên, lúc đó (tháng 10/2021) Đắk Lắk chưa có chủ trương điều trị F0 tại nhà”.
Về sau, Đắk Lắk mới cho triển khai thí điểm tại TP.Buôn Ma Thuột. Bác sĩ Hòa Anh tiếp tục làm việc nhiều lần với chính quyền thành phố, ngành y tế địa phương thì Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk mới được phép hoạt động. Lúc này, nhóm chỉ còn lại 50 người ở nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tại Đắk Lắk.
Từ đầu tháng 12/2021, Nhóm Hỗ trợ và Điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk mới nhập cuộc khi dịch bệnh tại địa phương bùng phát mạnh, các bệnh viện dã chiến quá tải. Để thuận tiện cho hoạt động, bác sĩ Hòa Anh phân công nhiệm vụ theo từng chuyên ngành: Theo đó, nhóm bác sĩ sẽ phụ trách tư vấn, điều trị; nhóm điều dưỡng phụ trách hướng dẫn F0 cách vệ sinh khử khuẩn, hít thở, theo dõi chuyển biến bệnh, nhập thông tin lên hệ thống hoặc liên hệ vào đường dây nóng khi có chuyển biến bệnh; nhóm dược sĩ sẽ tư vấn cách dùng thuốc theo quy định; nhóm tiếp nhận, phân bổ thuốc men, vật tư y tế…
Việc thăm khám được thực hiện thông qua ứng dụng điện tử, nên mọi thành viên trong nhóm có thể làm việc bất cứ thời gian nào. Bởi, mỗi thành viên đều có công việc riêng, rảnh giờ nào họ làm giờ đó.
Mỗi ngày nhóm khám từ 150-200 người. Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức khám cho khoảng 1.500 người và không có tình trạng chuyển nặng.
Đắk Lắk có gần 50.000 ca bệnh kể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. Những ngày gần đây, số ca mắc tại địa phương này liên tục tăng ở mức trên 2.000 ca mắc mỗi ngày. Toàn tỉnh chỉ có duy nhất huyện M’đrắk là “vùng xanh”, 5 huyện, thành “vùng cam”, 9 huyện “vùng vàng”. Trong đó, địa phương dẫn đầu số ca mắc nhiều nhất là TP. Buôn Ma Thuột với hơn 18.000 ca bệnh tích lũy, mỗi ngày có hơn 1.000 ca bệnh.