Y đức

Những sai phạm liên tiếp bị xử lý gần đây trong ngành Y khiến dư luận không thể không không đặt câu hỏi về vấn đề y đức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nhân dân đang gặp khốn khó thì những hành vi trục lợi trên sức khỏe của cộng đồng càng khiến dư luận bất bình.

Nhưng nhìn rộng ra, đó chỉ là những cành sâu trên một thân cây lớn cần cắt bỏ để cả cây khỏe mạnh. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, toàn bộ cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã gồng mình, làm việc bằng ba, bằng bốn để chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Những anh hùng áo trắng đã gác lại chuyện riêng tư, bất chấp khó khăn, gian khổ lao vào tâm dịch. Nhiều người cả mấy tháng trời không gặp gia đình, người thân; thậm chí có những trường hợp người thân mất cũng không thể về chịu tang. Trong cuộc chiến với kẻ thù thầm lặng, họ chạy đua với thời gian vừa khống chế dịch bệnh lây lan vừa cứu chữa, giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Trong bộ bảo hộ kín mít suốt thời gian dài làm việc, họ chịu sự nóng bức, ngột ngạt; nhiều người kiệt sức lịm đi ngay trên ghế hay dưới sàn nơi làm việc. Niềm vui đối với họ là khi dịch bệnh bị đẩy lui hay liên tiếp những bệnh nhân hồi phục và ra viện. Trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh, nhiều người đã bị lây nhiễm, thậm chí hi sinh cả tính mạng của mình…

Tôi tháng nào cũng phải đến viện khám nên tiếp xúc với nhiều bác sĩ và tận mắt chứng kiến công việc của họ mỗi ngày. Nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải nên các bác sĩ, nhân viên y tế khu vực khám bệnh đều phải gồng mình mới có thể đáp ứng. Bệnh nhân đông, bác sĩ luôn chân luôn tay, nhiều khi công việc bị cắt ngang vì có bệnh nhân xộc vào hỏi cái này, cái kia; thậm chí, chờ đợi lâu, có bệnh nhân nổi nóng vô cớ nhưng nhưng họ vẫn kiên nhẫn trả lời, giải thích.

Áp lực công việc cao nhưng thu nhập còn bất cập, nhất là đối với y tế cơ sở. Qua đợt chống dịch vừa rồi ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rõ điều này. Nhiều người cực chẳng đã phải dứt áo ra đi. Đằng sau họ là cuộc sống, là gia đình phải lo toan, thu nhập không đủ trang trải thì thật khó để níu kéo họ.

Câu chuyện phong bì khi vào viện mà dư luận nói đến nhiều trước đây giờ đã dần lắng xuống khi ngành triển khai các phong trào nói không với vấn nạn này, đồng thời thực hiện tự chủ, tiết kiệm kinh phí để nâng cao thu nhập cho nhân viên. Và ngay cả khi vấn đề này đang nóng thì nhiều chỗ đã nói không với phong bì.

Nói vậy bởi tôi là chính là người bị từ chối. Chuyện cách đây đã lâu, khi người thân của tôi phải phẫu thuật vì K dạ dày sau thời gian điều trị hậu phẫu về nhà bị tràn dịch phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó phải điều trị dài ngày tại C3, Viện Tim mạch. Quen lối suy nghĩ cũ, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, tôi chuẩn bị cái phong bì rồi gõ cửa vào phòng bác sĩ trưởng khoa nhờ vả.

Bác sĩ rót nước mời tôi rồi hỏi có chuyện gì không? Tôi trình bày tình hình bệnh tật của người thân rồi ngỏ ý nhờ vả và đưa phong bì gọi là có chút cảm ơn. Ông nhìn tôi rồi nói anh cất tiền đi để lo chữa bệnh cho bà, sẽ cần nhiều đấy. Cứ để bà ở đây chúng tôi điều trị nhưng cũng phải nói trước rằng chỉ điều trị triệu chứng chứ không chữa được căn nguyên đâu vì bà đã di căn rồi.

Ông lại bảo còn nước còn tát nhưng đừng nghe đồn thổi mua thuốc Nam thuốc Bắc gì mà tiền mất tật mang. Nghe ông nói chân thành, tôi cũng yên tâm. Đem chuyện kể với mấy người cùng cảnh ngộ trong phòng bệnh, họ đều nói rằng chú chẳng biết gì rồi. Bác sĩ ở đây không nhận phong bì đâu. Muốn cảm ơn thì khi ra viện, mua ít hoa quả biếu là được.

Đó không phải là lần duy nhất. Một hôm, tôi phải đưa mẹ sang Viện K để kiểm tra lại tình trạng bệnh theo đúng chuyên khoa. Vì bệnh nhân yếu nên có bác sĩ của C3 đi cùng. Hết sang K Quán Sứ lại xuống K Thanh Trì, về đến Viện Tim mạch đã hơn 12 giờ trưa. Tôi ngỏ ý muốn mời bác sĩ bữa cơm trưa bằng cái phong bì nhưng chị nhất quyết không nhận và bảo anh để dành mua cơm cho bà.

Dù không nhận bất cứ đồng nào nhưng họ vẫn chăm sóc bệnh nhân chu đáo đến khi không thể làm được nữa mới thôi. Chính vì vậy, khi đồng nghiệp có người nhà bệnh tình như người thân của mình, tôi khuyên anh nên đưa xuống chỗ người thân đã từng điều trị.

Mấy hôm sau gặp nhau, anh cảm ơn và bảo chú chỉ đúng chỗ rồi. Anh cũng cẩn thận đưa phong bì nhờ vả bác sĩ trước cho yên tâm nhưng bị…đuổi. Bác sĩ còn bảo nếu anh không cất phong bì đi tôi không chữa cho người nhà anh nữa!

Niềm tin của người bệnh, của nhân dân đối với những người khoác blouse trắng nhân lên nhờ những việc làm của những người như thế.

Xuân Hòa

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/74169/y-duc.html