Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4: Thẳng thắn, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề cập đến những vấn đề rất cấp thiết và quan trọng đối với đất nước trong tình hình hiện nay. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng, Hội nghị Trung ương 4 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường bày tỏ sự phấn khởi trước những nội dung, kết quả của Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đặc biệt, bài phát biểu bế mạc hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt sâu sắc về tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những nội dung tại Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Từ ngày thành lập đến nay, ở mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều đề ra những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, cùng với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế. Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.
Từ thực tiễn công tác mặt trận, ông Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, trong thời gian tới để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở các cơ sở, tổ chức Đảng một cách thường xuyên, nghiêm túc. Đồng thời, chú trọng phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, tại mỗi cơ sở, tổ chức Đảng, cần quan tâm, chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường tư tưởng, tư cách đạo đức, tác phong đảng viên mẫu mực… Đồng thời, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đánh giá và sử dụng, bố trí đảng viên hiệu quả, đúng người đúng việc…Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên có cơ hội phát huy sở trường, năng lực làm việc, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, làm tròn bổn phận, chức trách được giao. Tinh thần làm việc trong sáng sẽ là điều kiện tiên quyết để cán bộ, đảng viên có lối sống, đạo đức chuẩn mực, trung thành với lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tôn trọng các quy định pháp luật, đồng cảm với những khó khăn, vướng mắc của người dân…
Ông Nguyễn Sỹ Trường đánh giá, quan điểm chỉ đạo và quyết tâm mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Hội nghị này đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chung nhận định, bà Phạm Tâm Hiếu, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình cho rằng, việc Hội nghị Trung ương 4 tiếp tục thảo luận, về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"…là hết sức cần thiết. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc nhằm giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xử lý nghiêm minh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các hành vi tham nhũng, tiêu cực... trong một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất.
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19
Đối với thực tế diễn biến dịch COVID-19, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trước nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh vừa tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 đã đề ra, công việc hiện nay còn rất nặng nề, khó khăn, nhiều thách thức đòi hỏi sự tập trung quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành, chính quyền các cấp, tạo cơ sở cho hành động và việc làm cụ thể.
Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là giữ vững thành quả chống dịch, xử lý dứt điểm các ca bệnh mới. Tuyệt đối không được có tâm lý thỏa mãn, coi nhẹ dịch bệnh khi có dấu hiệu lắng xuống; luôn giữ tinh thần quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh trong mọi tình huống; thường xuyên giao ban, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để có giải pháp tốt hơn; phải đặt mục tiêu an toàn là trên hết; tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước. Đặc biệt, phải chuyển trạng thái từ "không COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", trong đó, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp. Trong công tác phòng, chống dịch, kiên định thực hiện theo hướng phong tỏa hẹp nhất có thể; phòng, chống dịch dựa trên 4 trụ cột: "cách ly, xét nghiệm, điều trị và ý thức của nhân dân". Trong lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng khi tổ chức thực hiện linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, và phải có kiểm soát.
Cùng bàn về vấn đề này, bà Phạm Tâm Hiếu đánh giá, để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới trong giai đoạn hiện nay, cần phải chuyển trạng thái từ "không COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19". Hiện nay dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhân dân Thủ đô mong muốn chính quyền quan tâm việc triển khai tiêm vaccine trong nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, các khu công nghiệp...đặc biệt là tại các khu cách ly để tránh tình trạng lây chéo.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; có các chính sách hỗ trợ trong tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ mua vật tư, trang thiết bị sản xuất, việc hỗ trợ tạo việc làm đối với người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Song song với đó, chính quyền cần quan tâm tới chế độ chính sách cho cán bộ Mặt trận, Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; kinh phí, chế độ cho cán bộ tham gia Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; việc tăng phụ cấp đối với lực lượng công an viên thuộc đối tượng không chuyên trách…