Ý nghĩa của giáo dục Phật giáo trong giáo dục đạo đức sinh viên

Giáo dục Phật giáo với những nội dung cụ thể, gần gũi có tác dụng to lớn trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam. Giáo dục Phật giáo ảnh hưởng tích cực tới tình cảm, lý tưởng đạo đức của sinh viên Việt Nam.

Tác giả: Ths Triết học Lê Minh Phong
Khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa

Dẫn nhập

Dưới sự tác động của kinh tế thị trường, xã hội Việt Nam đang có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, đã xuất hiện nhiều hiện tượng đáng lo ngại về đạo đức trong sinh viên. Do đó vấn đề giáo dục đạo đức cho sinh viên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để thực hiện tốt công tác này, chúng ta cần nhìn lại những giá trị đạo đức truyền thống để tìm ra những thành tố nào có thể góp phần cho việc giáo dục đạo đức trong nhà trường. Trong những thành tố đó có những giá trị của Phật giáo.

Ảnh minh họa: St

Ảnh minh họa: St

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Triết lý Phật giáo phù hợp với tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nền tảng tư tưởng nhân văn và hệ thống giáo lý sâu sắc, Phật giáo được xem là một nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhân cách, đạo đức cho sinh viên.

Giáo dục Phật giáo không chỉ hướng đến việc truyền đạt kiến thức mà còn tập trung vào việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát triển lòng từ bi, trí tuệ và sự tỉnh thức. Những giá trị này góp phần quan trọng trong việc định hướng lối sống, nhân cách cho sinh viên, giúp họ đối diện với những thách thức của cuộc sống hiện đại một cách vững vàng và đúng đắn. Vì vậy, nghiên cứu vai trò của giáo dục Phật giáo đối với việc giáo dục đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn mang tính thực tiễn.

1. Những vấn đề chung về giáo dục Phật giáo

1.1. Khái niệm giáo dục Phật giáo

Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực, nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại. Giáo dục bao gồm việc dạy và học, giáo dục là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người.

Giáo dục Phật giáo được hiểu là dạy cho con người biết và hiểu giáo lý Phật giáo. Qua đó, bồi dưỡng, phát triển con người hoàn thiện hơn về mặt trí thức và tâm thức, để trở thành những con người tốt hơn, có phẩm hạnh và có đạo đức, trở thành những chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác, trở thành những con người có trí tuệ, sống có lý tưởng, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo là để phát triển trí tuệ, thấu hiểu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều chân thực và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận sự chân thật, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, trái đạo đức.

1.2. Một số nội dung cơ bản của giáo dục Phật giáo

Giáo dục lòng từ bi

Phật giáo khuyến khích con người chăm làm việc thiện nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng. Giáo dục Phật giáo nhấn mạnh hai chữ Từ và Bi, đó là biểu hiện của tình thương bao la, hoàn toàn vị tha không gợn chút vị kỷ đối với muôn loài. Với tâm từ bi, với lòng yêu thương con người, Phật giáo đã phá đi hàng rào ngăn cách vô nhân đạo giữa con người với con người. Nói về đạo đức, Phật giáo đề cập đến Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chính Đạo, Giới - Định - Tuệ với những bài thuyết giảng với mục đích hoàn thiện con người trở nên mẫu mực, đạo đức, an lạc và hạnh phúc.

Giáo dục lối sống lành mạnh

Năm giới của nhà Phật là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu góp phần loại trừ các thói xấu của con người. Đối với con người, không vi phạm năm giới này là điều đáng quý.

Điều này không chỉ có ý nghĩa nuôi dưỡng lòng từ bi, khơi dậy tinh thần nhân đạo trong mỗi cá nhân mà có ý nghĩa về mặt xã hội. Những vấn đề mà Ngũ giới đặt ra, một mặt nhằm ngăn ngừa mầm mống có hại đến tư cách đạo đức con người, mặt khác có tác dụng cổ vũ những hành vi tốt phát triển. Về mặt lý luận cho thấy Ngũ giới đã đảm bảo được cả ba mặt thể dục, trí dục, đức dục đối với việc hoàn thiện nhân cách con người.

Giáo dục sự bình đẳng

Tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo được đề cao. Phật giáo cho rằng mọi người đều bình đẳng, phải yêu thương lẫn nhau. Hãy nhìn thế giới xung quanh bằng ánh mắt vị tha hơn, bao dung hơn. Với tâm từ bi, với lòng yêu thương con người, Phật giáo không tách rời lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội mà nhấn mạnh đồng thời, lợi ích cá nhân và xã hội phải đi cùng để tạo ra một sự hạnh phúc cho nhân loại.

Đạo Phật đã chỉ dẫn cho con người cần đào luyện một số đức tính của một tình thương chân chính với những tình cảm trong sáng tốt đẹp và đầy tình người: không thể giẫm đạp lên hạnh phúc của người khác để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình, phải sống một cách chân chính, bằng chính sức lực và mồ hôi của mình.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường

Thuyết duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp ngũ uẩn và có một mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên, vì thế hãy sống hòa mình vào thiên nhiên, trên hết là tự nguyện bảo vệ môi sinh là bảo vệ nền hòa bình cho nhân loại.

Đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên hài hòa với loài người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục, tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch. Đây là cơ sở để thiết lập nền hòa bình cho nhân loại. Sự bảo vệ môi sinh, suy cho cùng là sự thiết lập của một tâm thức thanh tịnh. Một tâm không tham, không sân, không si sẽ giúp con người tự chủ, thoát ly mọi sự chi phối của các dục.

Ảnh minh họa: st

Ảnh minh họa: st

2. Vai trò của giáo dục Phật giáo đối với giáo dục đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay

2.1. Giáo dục Phật giáo góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức sinh viên

Trong mối quan hệ gia đình

Phật giáo đề cao đạo hiếu, điều này đã được đông đảo sinh viên thực hành đối với ông bà, cha mẹ. Biểu hiện đó là sự tôn kính, vâng lời ông bà cha mẹ điều này không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn bằng hành động và thái độ trong đời sống hàng ngày. Ngoài ra sinh viên cũng đã biết chăm sóc ông bà, cha mẹ khi đau ốm, biết hành động để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ khi có cơ hội.

Bên cạnh đó, sinh viên còn có ý thức giữ gìn danh dự và uy tín của gia đình, không làm điều sai trái khiến ông bà, cha mẹ phải buồn lòng và thất vọng đồng thời sinh viên cũng nhận thức được trách nhiệm của bản thân mình trong việc gìn giữ và phát huy các truyền thống và phong tục tốt đẹp của gia đình, dòng tộc. Đối với anh chị em trong gia đình đó là sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ vui buồn và giúp đỡ trong cuộc sống. Sự tôn trọng lẫn nhau, đối với em nhỏ trong gia đình đó là sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các anh chị lớn hơn còn đối với anh chị lớn là sự chia sẻ, dìu dắt, khuyên bảo các em. Trong các công việc quan trọng của gia đình, các anh chị em cùng nhau san sẻ gánh vác, không để bất kỳ ai gánh nặng quá nhiều.

Trong mối quan hệ nhà trường

Đối với thầy cô giáo, sinh viên biết tỏ lòng kính trọng và biết ơn thầy cô. Điều đó trước hết thể hiện qua việc chào hỏi, cư xử lễ phép đồng thời còn biểu hiện ở việc lắng nghe và thực hiện những điều thầy cô dạy. Hơn thế nữa, dưới góc nhìn của Phật giáo thì thầy cô chính là người dẫn dắt sinh viên trên con đường rèn luyện tu dưỡng đạo đức và trang bị tri thức cũng như vai trò của một vị thầy trong đạo Phật dẫn dắt đệ tử đến với sự giác ngộ do vậy sinh viên biết cố gắng học tập để đạt thành tích tốt đây cũng chính là sự tri ân và thể hiện lòng biết ơn đối với thầy cô.

Đối với bạn bè, đó là tình yêu thương, sự trung thực và bình đẳng. Tình yêu thương thể hiện ở ý thức và hành động sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi họ gặp khó khăn. Biết lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và ý kiến của nhau, không phân biệt đối xử hay ganh đua mà tạo môi trường gắn kết, cùng nhau phát triển. Sự trung thực thể hiện ở việc không gian lận trong học tập và thi cử, không lợi dụng hay lừa dối bạn bè vì lợi ích cá nhân và sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai. Sự tôn trọng đó là không kỳ thị, phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, vùng miền, đối xử công bằng với bạn bè.

Trong mối quan hệ xã hội

Giáo dục Phật giáo góp phần điều chỉnh hành vi của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường. Phật giáo luôn đề cao lối sống từ bi, yêu thương và giúp đỡ những người khó khăn. Trên tinh thần đó sẽ bồi dưỡng thêm tấm lòng nhân ái của sinh viên và khuyến khích sinh viên tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động phục vụ cộng đồng như hỗ trợ người nghèo, trẻ em mồ côi qua các hoạt động, các phong trào sinh viên tình nguyện do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức.

Phật giáo dạy con người không trộm cắp, điều này giúp sinh viên nhận thức rõ về quyền sở hữu cá nhân và tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật, sống trung thực thời tôn trọng quyền của mọi người. Phật giáo dạy rằng con người cần sống hòa hợp với môi trường. Điều này góp phần giúp sinh viên có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

2.2. Giáo dục Phật giáo góp phần hình thành ý thức đạo đức tích cực cho sinh viên

Góp phần hình thành tri thức đạo đức và niềm tin đạo đức cho sinh viên

Với lịch sử gần 2000 năm hình thành và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã không ngừng giáo dục các giáo lý và tư tưởng đạo đức của mình, làm phong phú thêm các tri thức đạo đức Phật giáo. Chính nhờ sự gần gũi, thân thiện của mình mà những tri thức Phật giáo đã nhanh chóng được người Việt tiếp nhận, trong đó có sinh viên.

Giáo dục Phật giáo đã cung cấp cho sinh viên những tri thức đạo đức thiết thực, có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những quy tắc, chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, vì thế cho đến nay vẫn được nhiều người trong xã hội, trong đó có một bộ phận không nhỏ là sinh viên đang thực hành. Từ những tri thức đạo đức tiếp nhận được, sinh viên Việt Nam sẽ có căn cứ để xây dựng một niềm tin đạo đức. Những nguyên tắc, quy chuẩn đạo đức, những giới luật trong Ngũ giới, Tứ ân, Thập thiện… đã phát huy tác dụng giáo dục đạo đức cho sinh viên, tạo cho họ một niềm tin vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Niềm tin vào các giá trị đạo đức Phật giáo giúp cho sinh viên có được một sức mạnh tinh thần để họ vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống và hướng họ đến một cuộc sống tốt đẹp. Những lời khuyên răn trong đạo đức Phật giáo đã hình thành ở sinh viên ý thức đạo đức khuyến thiện, trừ ác, làm cho họ sống một cách khiêm nhường, yêu thương nhau hơn. Niềm tin ấy chính là yếu tố làm nên sự tự giác, tự nguyện trong sinh viên Phật tử Việt Nam. Nó có tác dụng làm cho những hoạt động hướng thiện của sinh viên trở nên nhiệt tình và hiệu quả hơn.

Giáo dục Phật giáo góp phần hình thành tình cảm đạo đức và lý tưởng đạo đức cho sinh viên

Giáo dục Phật giáo đã góp phần hình thành cho sinh viên tình cảm yêu thương và sự tôn kính đối với đức Phật và các vị Bồ Tát. Những tình cảm ấy đã khuyến khích, thôi thúc họ thực hiện một cách nghiêm túc các giới luật, các nguyên tắc, quy chuẩn đạo đức mà Phật giáo đề ra. Phật dạy con người biết yêu thương, tình thương và lòng nhân ái sẽ giúp con người từ bỏ được tính ích kỉ, lòng tham, sự sân hận và si mê. Đối với sinh viên, tình yêu thương đó được thể hiện rõ nhất trong các mối quan hệ với gia đình, nhà trường và xã hội.

Khi xây dựng được tình cảm tốt đẹp trong tất cả các mối quan hệ, họ sẽ tránh được những xung đột, mâu thuẫn không đáng có, thông qua đó góp phần làm cho xã hội ổn định hơn. Những nội dung giáo dục Phật giáo mang lại sẽ là động lực để sinh viên thực hiện các hành vi đạo đức tốt đẹp. Một khi tình cảm ấy thẩm thấu vào tình cảm dân tộc, vào những truyền thống của cộng đồng thì nó sẽ tạo nên một nội lực mạnh mẽ, phát huy được tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và trở thành một động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ niềm tin vào những nội dung giáo dục Phật giáo đã góp phần thôi thúc lý tưởng, hoài bão cao đẹp trong sinh viên về khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp, dân chủ, công bằng và văn minh.

Giáo dục Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc tới ý thức đạo đức và hành vi của sinh viên, hướng sinh viên tới những hành động tốt đẹp, tới việc xây dựng một mẫu người lý tưởng không có dục vọng hay sự ham muốn cá nhân, luôn sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Với chủ trương “tìm Niết bàn trong hiện thực”, Phật giáo hướng sinh viên vào cuộc sống thực tại, thường ngày chứ không phải vào một thế giới ảo tưởng xa xôi.

Kết luận

Giáo dục Phật giáo với những nội dung cụ thể, gần gũi có tác dụng to lớn trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam. Giáo dục Phật giáo ảnh hưởng tích cực tới tình cảm, lý tưởng đạo đức của sinh viên Việt Nam. Có thể thấy giáo dục Phật giáo mang những ý nghĩa to lớn góp phần làm phong phú hơn công tác giáo dục đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt là trong bối cảnh bối cảnh hiện tại, khi mà ảnh hưởng của những luồng văn hóa ngoại lai đang làm cho đạo đức sinh viên có nhiều biểu hiện tiêu cực, không ít sinh viên xuất hiện sự suy thoái đạo đức, lối sống; đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống và văn hóa phương Tây thì giáo dục Phật giáo là một công cụ hữu hiệu trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Giáo dục Phật giáo không chỉ giúp sinh viên phát triển toàn diện về nhân cách và đạo đức mà còn góp phần chuẩn bị cho họ một cuộc sống hạnh phúc, thành công và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Để góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam thì bên cạnh công tác giáo dục của của nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các tổ chức chính trị xã hội khác, thì vai trò của giáo dục Phật giáo, đặc biệt vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương cho đến địa phương và các chức sắc Phật giáo tại các chùa trên khắp cả nước là rất quan trọng.

Tác giả: Ths Triết học Lê Minh Phong
Khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1). Thích Minh Châu, Đức Phật của chúng ta, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.

2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 2014.

3). Lý Kim Hoa, Giáo dục học Phật giáo, Nxb.Tôn giáo, 2009.

4). Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đạo đức học Phật giáo. Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1995.

5). Hoàng Thị Thơ, Đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, 2002.

6). Trần Quang Thuận, Phật giáo Việt Nam đi vào thời đại mới, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014.

7). Huỳnh Văn Vinh, một số vấn đề lối sống, đạo đức, chuẩn giá tri xã hội. hà nội: chính trị quốc gia, 2010.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/y-nghia-cua-giao-duc-phat-giao-doi-voi-giao-duc-dao-duc-sinh-vien-viet-nam-hien-nay.html