Ý nghĩa dự án khởi nghiệp dành cho người khuyết tật

Thấu hiểu khó khăn, mặc cảm của những người khuyết tật, chị Phạm Thị Hiền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khởi xướng dự án 'Khi vải vụn nở hoa' nhằm tạo sinh kế cho các phụ nữ khuyết tật, giúp họ ổn định cuộc sống.

Xưởng tái chế vải vụn do chị Phạm Thị Hiền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khởi xướng đã tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Hoàng Lý

Xưởng tái chế vải vụn do chị Phạm Thị Hiền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khởi xướng đã tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Hoàng Lý

Ý tưởng nhỏ, giá trị lớn

Một ngày tháng 10, trong không gian nhỏ tại một khu tập thể cũ, xưởng tái chế vải vụn thành hoa do chị Phạm Thị Hiền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khởi xướng đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều hội viên nữ khuyết tật trên địa bàn quận.

Theo chị Phạm Thị Hiền, ý tưởng dự án “Khi vải vụn nở hoa” xuất phát điểm từ khuôn khổ khóa học nghề khâu tay được thực hiện bởi nhà thiết kế thời trang Trịnh Bích Thủy - thương hiệu TRỊNH FASHION và các cộng sự, trực tiếp hướng dẫn cho các chị em phụ nữ khuyết tật. Khóa học ban đầu thu hút 5 học viên tham gia. Đến năm 2024, chị Phạm Thị Hiền và nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy chính thức khởi động dự án làm ra những bông hoa từ vải vụn. Khóa học lần này thu hút 6 học viên và kéo dài từ tháng 3/2024 đến tháng 6/2024.

Sau khi chứng kiến nỗ lực vươn lên của những người khuyết tật cùng sự sẻ chia về khó khăn tìm kiếm việc làm, chị Phạm Thị Hiền kết nối với các nhà xưởng, đơn vị thời trang may mặc đồng hành hỗ trợ phụ nữ khuyết tật. Tấm vải vụn đủ kích cỡ, màu sắc thường bỏ lại sau may vá vốn dĩ được coi là rác thải, không có giá trị sử dụng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được những “người thợ đặc biệt” tạo thành sản phẩm ý nghĩa.

Tại xưởng tái chế vải vụn, chị Phạm Thị Hiền tận tình hướng dẫn, chỉ dạy các hội viên nữ gia công sản phẩm hoàn thiện. Dưới bàn tay khéo léo và tâm huyết của hội viên phụ nữ trong Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, tấm vải vụn thô ban đầu biến hóa thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Đó có thể là những bông hoa đủ sắc màu, chiếc nơ nhỏ xinh, giỏ hoa, chiếc khẩu trang hay bức tranh xinh đẹp… Vừa trực tiếp giảng dạy, chị Phạm Thị Hiền còn chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Chị Phạm Thị Hiền chia sẻ: “Những phụ nữ khuyết tật thường cảm thấy tự ti, không có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí còn bị phân biệt đối xử. Tôi muốn tạo ra một sân chơi, nơi mà họ không chỉ có việc làm mà còn được thể hiện sự sáng tạo, được công nhận và tôn vinh”.

Chị Phạm Thị Hiền (ngoài cùng bên phải) chia sẻ: "Dự án "Khi vải vụn nở hoa" không chỉ tạo ra một sân chơi, giúp phụ nữ khuyết tật có việc làm mà còn là nơi những người phụ nữ được thể hiện sự sáng tạo, được công nhận và tôn vinh”. Ảnh: Hoàng Lý

Chị Phạm Thị Hiền (ngoài cùng bên phải) chia sẻ: "Dự án "Khi vải vụn nở hoa" không chỉ tạo ra một sân chơi, giúp phụ nữ khuyết tật có việc làm mà còn là nơi những người phụ nữ được thể hiện sự sáng tạo, được công nhận và tôn vinh”. Ảnh: Hoàng Lý

Cầu nối giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng

Dự án “Khi vải vụn nở hoa” đã trở thành cầu nối giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Ở xưởng tái chế vải vụn, mỗi “người thợ đặc biệt” đối diện với một dạng khuyết tật khác nhau, có người bị khuyết tật vận động, người bị khuyết tật trí tuệ… nhưng chung một tinh thần “tàn nhưng không phế”.

Điều đặc biệt ở dự án “Khi vải vụn nở hoa” không chỉ đơn thuần những sản phẩm mang tính nghệ thuật, mà còn là câu chuyện về sự tự tin và tự hào của những phụ nữ khuyết tật. Trước đây, nhiều phụ nữ khuyết tật từng cảm thấy tự ti vì khiếm khuyết của mình, sống khép kín và không dám đối mặt với xã hội. Từ khi tham gia dự án, họ không chỉ có việc làm mà còn tìm lại được giá trị của bản thân.

Chị Phan Bích Ngọc (hội viên Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm) xúc động chia sẻ: “Trước khi tham gia dự án, tôi không nghĩ mình có thể làm được điều gì có ích cho xã hội. Nhưng nhờ cô Hiền và các chị em trong Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, tôi đã học được cách làm những bông hoa từ vải vụn, dần dần tôi thấy mình có thể tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ. Tôi cảm thấy mình có giá trị hơn, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Chị Phạm Thị Hiền tận tình hướng dẫn cách khâu viền hoa cho hội viên Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm Phan Bích Ngọc. Ảnh: Hoàng Lý

Chị Phạm Thị Hiền tận tình hướng dẫn cách khâu viền hoa cho hội viên Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm Phan Bích Ngọc. Ảnh: Hoàng Lý

Sản phẩm thủ công đẹp mắt được thực hiện bởi sự kiên trì và lòng đam mê của phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Hoàng Lý

Sản phẩm thủ công đẹp mắt được thực hiện bởi sự kiên trì và lòng đam mê của phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Hoàng Lý

Dưới bàn tay khéo léo, mỗi bông hoa hay các sản phẩm thủ công là kết quả của nhiều giờ làm việc tỉ mỉ, sự kiên trì và lòng đam mê của phụ nữ khuyết tật. Hiện, sản phẩm có thị trường đầu ra phong phú như: bày bán tại các hội chợ thủ công mỹ nghệ, các cửa hàng và doanh nghiệp đặt hàng để trang trí, làm quà tặng…

Dự án “Khi vải vụn nở hoa” là ý tưởng khởi nghiệp ý nghĩa đã xuất sắc vượt qua 127 dự án, giành giải thưởng trong cuộc thi “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo xanh” năm 2024. Đây là một phần thưởng xứng đáng cho tâm huyết, sáng tạo và đóng góp của chị Phạm Thị Hiền cùng hội viên phụ nữ khuyết tật.

Dự án "Khi vải vụn nở hoa" được trao giải Khuyến khích cuộc thi "Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh". Ảnh: Hoàng Lý

Dự án "Khi vải vụn nở hoa" được trao giải Khuyến khích cuộc thi "Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh". Ảnh: Hoàng Lý

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, chị Phạm Thị Hiền hi vọng: “Tôi mong muốn dự án sẽ không chỉ dừng lại ở quận Hoàn Kiếm mà sẽ lan tỏa ra nhiều địa phương khác, giúp thêm nhiều phụ nữ khuyết tật có cơ hội việc làm, quan trọng nhất là giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống”.

Bên cạnh việc tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật, dự án còn mang lại giá trị lớn về mặt bảo vệ môi trường. Việc tái chế vải vụn thành những sản phẩm nghệ thuật giúp giảm thiểu lượng rác thải công nghiệp, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người khuyết tật. Các thành viên trong dự án thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, từ đó tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, gắn kết.

Chị Phạm Thị Hiền cho biết, xưởng tái chế vải vụn vừa giúp tạo sinh kế cho phụ nữ khuyết tật, vừa tạo dựng không gian để chia sẻ mọi buồn vui, khó khăn trong cuộc sống.

Thời gian tới, chị Phạm Thị Hiền và các chị em trong dự án đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và đưa những bông hoa vải vụn đến với nhiều thị trường hơn, gắn kết sản phẩm du lịch quà tặng tại Hà Nội.

Chị Phạm Thị Hiền mong muốn tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp để có thể cung cấp thêm nguồn nguyên liệu, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất. Kỳ vọng dự án sẽ thu hút nhiều hơn phụ nữ khuyết tật tham gia và những bông hoa vải vụn sẽ tiếp tục là biểu tượng của sự tái sinh, của nghị lực và của niềm tin vào cuộc sống”.

Mộc Miên - Hoàng Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/y-nghia-du-an-khoi-nghiep-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-398983.html