Y tế Đà Nẵng chuyển đổi số hướng đến bệnh viện thông minh
Đi khám sức khỏe đồng thời đổi giấy phép lái xe ngay tại trung tâm y tế; Bệnh án điện tử tích hợp trên thẻ bảo hiểm y tế; Đi khám bệnh chỉ cần đọc số thẻ bảo hiểm y tế, mọi thông tin về lịch sử khám chữa bệnh, loại thuốc đang dùng được tích hợp trên hệ thống... Đó là những tiện ích khi ngành Y tế Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi số.
Gần đây, anh Nguyễn Thuận, người dân thành phố Đà Nẵng đến Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn khám sức khỏe, vừa kiểm tra sức khỏe tổng thể, vừa kết hợp làm thủ tục đổi giấy phép lái xe hạng B2. Trước đây, khi đi làm thủ tục đổi giấy phép lái xe, anh đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế, sau đó mới đến Tổ “Một cửa” nộp hồ sơ lên Sở Giao thông Vận tải thành phố. Thế nhưng, giờ đây anh chỉ cần đến Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn mang theo các giấy tờ cần thiết như: căn cước công dân, giấy phép lái xe đến khám sức khỏe. Sau đó, toàn bộ dữ liệu của anh sẽ được trung tâm y tế này liên thông lên Cổng dịch vụ công Quốc gia để làm các thủ tục đổi lại giấy phép lái xe, anh nhận được kết quả tại nhà.
Anh Nguyễn Thuận cho biết, việc tích hợp như thế này tiết kiệm được thời gian, nhanh gọn, thuận tiện: “Quá nhanh gọn, nói chung tạo thuận lợi cho dân nhiều thời gian. Trước đây tôi đổi cũng nhiều chỗ thành ra vừa đi khám sức khỏe xong vừa đi đến bộ phận một cửa thành ra hơi bị lâu.”
Các bệnh viện, trung tâm Y tế ở Đà Nẵng còn đẩy mạnh ứng dụng số hóa bệnh án, hướng tới bệnh án điện tử. Người dân đi khám bệnh chỉ cần cung cấp số thẻ bảo hiểm y tế để nhân viên y tế truy xuất dữ liệu. Sau khi khám bệnh, người bệnh được hướng dẫn cài đặt phần mềm vào điện thoại thông minh để theo dõi bệnh án, đơn thuốc điện tử của mình đã cập nhật trên hệ thống phần mềm liên thông toàn quốc. Với đơn thuốc điện tử này, khi đi xa, người bệnh vẫn có thể truy xuất đơn thuốc để mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Phần mềm cũng lưu lịch sử khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân.
Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cũng đang triển khai các phần mềm để phục vụ khám, chữa bệnh như phần mềm quản lý xét nghiệm, phần mềm hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh, phần mềm kết nối với dữ liệu bảo hiểm y tế; thanh toán viện phí không tiền mặt…
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho hay: “Bệnh viện Liên Chiểu đã triển khai nhiều hoạt động trong đó đầu tiên trang bị về công nghệ, triển khai các phần mềm về Hit, Lis và tiến tới bệnh án điện tử. Tuy nhiên, điều tiên quyết phải chuyển đổi số". Chuyển tất cả thông tin người bệnh cũng như thông tin khám chữa bệnh của người dân quản lý trên hình thức số hóa, dễ dàng hơn trong việc lưu trữ, tiếp cận cũng như khai thác thông tin minh bạch và chính xác hơn.”
Theo Đề án “Thành phố thông minh” của UBND thành phố Đà Nẵng, đến năm 2025, một nửa số bệnh viện trên địa bàn thành phố chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
Bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho rằng, Bệnh viện thông minh là giải pháp tốt cho đề án khám chữa bệnh từ xa, bệnh viện không giấy tờ: “Bệnh viện chưa đảm bảo theo yêu cầu, lộ trình của Bộ Y tế đưa ra, bệnh viện hạng I phải số hóa 100%, phải Bệnh viện điện tử. Chúng tôi có đề án Bệnh viện thông minh nằm trong Đề án chung của ngành y tế trong Đề án chung thành phố thông minh. Bệnh viện thông minh thì khi đó giải pháp phục vụ cho bệnh nhân tại nhà rất tốt, đó là nền tảng triển khai y tế từ xa, bệnh viện giảm thiểu giấy tờ.”
Ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2018, khi triển khai Thông tư 46 của Bộ Y tế về hồ sơ bệnh án điện tử, các Bệnh viện hạng I ở thành phố Đà Nẵng đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong y tế. Theo đó, các Bệnh viện đã nâng cấp máy chủ, hệ thống mạng nội bộ, thiết kế các đầu đọc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, các bệnh viện đã đầu tư hệ thống lưu trữ truyền tải dữ liệu hình ảnh y khoa (PACS), triển khai hệ thống xét nghiệm nâng cao (LIS), hệ thống tự động trả kết quả xét nghiệm và liên thông với hệ thống quản lý bệnh viện (HIT), thực hiện chữ ký số, thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, ngoài các bệnh viện cấp I trực thuộc Sở quản lý đã đẩy mạnh chuyển đổi số, các trung tâm y tế cấp II cũng đang chuyển đổi số, mạnh mẽ thực hiện lộ trình bệnh viện thông minh theo Đề án “thành phố thông minh” của thành phố Đà Nẵng.
“Hiện nay chi phí công nghệ thông tin chưa được tính đúng, tính đủ vào giá khám chữa bệnh. Thứ 2, chưa có quy định nào về việc bổ sung nhân lực về công nghệ thông. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen ghi chép bằng tay sang máy tính và để thay đổi thói quen này thì nhân viên y tế cũng có một tỷ lệ ngại thay đổi đó./.”