Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Thiếu và yếu hệ thống xử lý nước thải y tế - Bài 1: Nhiều cơ sở 'trắng' hệ thống xử lý
Không mới, nhưng luôn mang tính thời sự bởi lâu nay nhiều cơ sở y tế ở Thừa Thiên Huế đang yếu và thiếu hệ thống xử nước thải.
Bỏ ngỏ nhiều năm
Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Quảng Điền được xây dựng 3 khối nhà 3 tầng, quy mô 80 giường bệnh, đi vào hoạt động từ năm 2010. Bình quân, mỗi ngày BV này thu hút từ 200 - 250 lượt khám và điều trị nội trú khoảng 100 bệnh nhân. Tuy nhiên, từ đó đến nay, BV Quảng Điền vẫn không có hệ thống xử lý nước thải.
Bác sĩ CK II Nguyễn Phương Tuấn, Giám đốc BV Đa khoa huyện Quảng Điền chia sẻ, gần 10 năm trước, BV xây dựng đưa vào hoạt động theo hình thức "chìa khóa trao tay". Theo quy mô, công trình hiện vẫn chưa hoàn thiện theo thiết kế ban đầu, như thiếu khu nhà hành chính và các hạng mục phụ trợ khác; trong đó, có khu xử lý nước thải bị bỏ trống lâu nay.
Khi được hỏi: Nước thải hàng ngày của BV trong 10 năm qua chảy về đâu? Lãnh đạo BV Quảng Điền thực tình, đó là bài toán nan giải. Gần 10 năm, đơn vị trăn trở và đề xuất cấp trên quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Quan ngại với cộng đồng dân cư sống chung quanh, BV chỉ có giải pháp làm hệ thống mương, xử lý hóa chất đầu nguồn trước khi thải ra bên ngoài, dù chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường quy định. "Đó là giải pháp tạm thời, nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra thì BV "xin hàng" vì không còn giải pháp nào tối ưu hơn". Bác sĩ Nguyễn Phương Tuấn thực tình.
Rơi vào tình cảnh tương tự, BV Lao phổi tỉnh đóng ở phường Hương Sơ, TP. Huế được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2014. BV có quy mô 100 giường đầy đủ các khoa, phòng chức năng, hệ thống sân vườn... đáp ứng được mô hình xanh sạch đẹp, làm hài lòng người bệnh đến khám, điều trị, nhưng hiện vẫn "trắng" hệ thống xử lý nước thải. Không ít lần trò chuyện, bác sĩ Võ Đại Tự Nhiên, người "cầm trịch" từ ngày BV ra đời đến thời điểm nghỉ hưu, ông rất quan ngại việc thiếu hệ thống xử lý chất thải của một BV chuyên khoa có nguy cơ lây nhiễm. Năm nào, BV cũng đề xuất nguồn kinh phí để đầu tư nhưng ngân sách Nhà nước hạn chế nên đành chờ.
TS. BS. Nguyễn Thanh Hải, người mới giữ chức Giám đốc BV Lao phổi tỉnh 3 tháng nay cũng rất lo lắng khi BV đang thiếu hệ thống xử lý nước thải. TS. Hải nêu thực tế, hiện BV này chỉ có hệ thống xử lý nước thải bể lắng tạm thời. Nếu đánh giá theo quy chuẩn quy định của cơ quan chức năng, BV phải đóng cửa.
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh
So với cách đây vài năm, cơ sở vật chất phục vụ khám, điều trị tại BV Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh khang trang hơn hẳn. Duy chỉ có hệ thống xử lý nước thải suốt mấy năm qua vẫn tạm bợ, khiến lãnh đạo đơn vị nóng lòng vì khuôn viên BV chật hẹn lại nằm sát dân cư đông đúc. BV phải “chữa cháy” bằng cách xây một bể tạm ở vị trí thấp trong khuôn viên để chứa nước thải trước khi đưa ra ngoài. Nước thải tại BV bình quân khoảng 50m3/ngày đêm, gồm hai loại: Nước thải sinh hoạt và nước thải từ các phòng khám điều trị, xét nghiệm. Nước thải sinh hoạt tại BV được thải trực tiếp, riêng nước thải xét nghiệm được đưa về bể và qua xử lý cloruamin B sau đó xả vào hệ thống cống rãnh chung.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc BV PHCN tỉnh, quy trình xử lý nước thải ở đơn vị chỉ là tạm thời nhưng cũng là nỗ lực hết sức của lãnh đạo BV, vì sau nhiều năm ngóng chờ, đề xuất cấp trên quan tâm nhưng vẫn chưa có vốn để đầu tư hệ thống xử lý bài bản.
Anh Lê Văn Sang, ở kiệt 35 Nguyễn Du, cạnh BV PHCN cho biết, trước đây, nước từ BV thường xả ra chảy nhầy nhụa, hôi hám. Mới đây, nhờ thi công lại đường kiệt cùng với việc BV kết hợp đấu nối, nâng cấp vào mương thoát nước kín, nên khu vực này đã sạch sẽ, không ẩm ướt, hôi hám như trước.
Khảo sát thực tế tại một số BV từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết, nước từ các phòng phẫu thuật, phòng xét nghiệm, phòng thí nghiệm, các nhà vệ sinh, từ giặt giũ áo quần, chăn ga bệnh nhân... đều được tự tiêu tự thoát, hay xả trực tiếp ra các mương, cống, ao rồi ra hệ thống nguồn nước chung trong khu vực.
Qua tham vấn ý kiến một số chuyên gia y tế ở Thừa Thiên Huế, điểm đặc thù của nước thải từ BV có sự lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những BV chuyên về bệnh truyền nhiễm cũng như khoa lây nhiễm, lao phổi... Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng gây truyền nhiễm qua đường tiêu hóa và làm ô nhiễm môi trường. Nguy hại hơn khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước, qua các loại rau được tưới bằng nước có nguồn gốc từ nước thải y tế.
Theo Sở Y tế, khối lượng nước thải phát sinh trong năm 2018 của 93 cơ sở y tế trên địa bàn; trong đó có 11 BV công lập, 2 BV ngoài công lập, 76 TYT và PKĐK... là 237.156,6m3 và số lượng nước thải được xử lý 228.840,6m3.
Qua thẩm định tại 20 cơ sở y tế, gồm tuyến tỉnh và huyện trên địa bàn cho thấy, đều có hệ thống thu gom chất thải rắn y tế; trong đó, có 4/20 cơ sở chưa có khu vực lưu giữ chất thải y tế.
Hiện, có 6/20 cơ sở có lò đốt chất thải rắn tại chỗ; số còn lại hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom vận chuyển xử lý; có 16/20 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong có, 14/20 cơ sở được UBND tỉnh cấp phép xả thải vào nguồn nước.
Bài, ảnh: Hoài Minh
Bài 2: Không sớm đầu tư sẽ bị phạt