Ý thức bảo vệ môi trường, nhìn từ cuộc thi Sáng tạo trẻ
Cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị lần thứ IX năm 2020 của học sinh phổ thông do tỉnh Quảng Trị tổ chức đã khép lại với 32 sản phẩm đoạt giải. Trong đó có hơn một nửa số sản phẩm đoạt giải liên quan trực tiếp đến các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Có thể nói ý thức bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao trong thế hệ trẻ, đáng chú ý là các học sinh nhỏ tuổi từ thành thị cho đến vùng sâu, vùng xa. Dưới đây là một số sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi Sáng tạo trẻ.
Nguyễn Minh Hoàng, lớp 10 Trường THPT Chu Văn An, huyện Triệu Phong, mang đến hội thi với sản phẩm “Máy rửa tay sát khuẩn tự động” và đoạt giải Nhì. Hoàng luôn trăn trở cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thì hệ lụy của nó là thải ra môi trường sống một lượng lớn rác thải điện tử khó phân hủy, nên cần phải hành động ngay từ bây giờ để góp phần giảm thiểu loại rác thải này. Trong lúc phải nghỉ học dài ngày do COVID-19 vào tháng 3/2020, em nhận thấy cần chung tay với cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Nghĩ là làm, Hoàng liền nghiên cứu thực hiện dự án “Máy rửa tay sát khuẩn tự động”. Cơ chế hoạt động của máy dựa trên nguyên tắc hiện tượng quang dẫn, sử dụng cảm biến ánh sáng. Máy có kết cấu nhỏ gọn, độ thẩm mỹ cao, dễ sử dụng và là một sản phẩm thân thiện với môi trường bởi nguyên liệu em sử dụng làm ra chiếc máy.
Hoàng cho biết, để tiết kiệm chi phí, em tìm tòi các thiết bị có sẵn trong nhà không còn sử dụng nữa như cảm biến ánh sáng, ống nhựa PVC, vỏ chai nước ngọt; ngoài ra em còn tìm đến các cơ sở thu gom phế liệu và cơ sở sửa chữa điện tử để xin hoặc mua lại với giá rẻ các linh kiện điện tử. Để có được chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động, em đã sử dụng các linh kiện điện tử kết hợp lại với nhau như: Quang trở, biến trở, mosfet, điện trở... Tại cuộc thi cấp tỉnh, sản phẩm của em đoạt giải Nhì (không có giải Nhất).
Nhằm mục đích sáng tạo ra nhiên liệu thân thiện với môi trường, có thể thay thế và ít gây ô nhiễm hơn so với các nhiên liệu hóa thạch hiện nay, Nguyễn Khắc Nhật Tường và Nguyễn Thị Hạnh Ngân, học sinh lớp 9, Trường TH&THCS Hải Sơn năm học 2019-2020 (nay học sinh lớp 10, Trường THPT Bùi Dục Tài ở Hải Lăng) có sản phẩm đoạt giải Ba cuộc thi. Đề tài nghiên cứu để tạo ra sản phẩm của hai em mang tên: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị thu gom dầu mỡ động, thực vật phế thải và chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học biodiesel”.
Nhật Trường và Hạnh Ngân chia sẻ, qua khảo sát cho thấy các cơ sở dịch vụ ăn uống hằng ngày thải ra môi trường một lượng lớn dầu mỡ động, thực vật gây ô nhiễm môi trường. Với sự giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn Lê Xuân Huy, sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm, sản phẩm ra đời trong sự mừng vui của hai thành viên nhỏ tuổi, yêu môi trường sống, cũng như góp phần lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh và cộng đồng.
Nguyên lý hoạt động của sản phẩm dầu vào bể lọc tách dầu. Tại đây dầu được tách ra khỏi rác và nước. Sau đó dầu được cho qua thiết bị rửa và lọc ly tâm. Khi dầu được rửa sạch không còn rác và tạp chất thì được đưa vào buồng phản ứng. Dầu sau khi ra khỏi buồng phản ứng được bơm qua lọc ly tâm và lọc tinh để lọc tách nhớt, rửa sạch lại dầu. Sản phẩm cuối cùng ở thùng chứa là biodiesel phục vụ cho cuộc sống.
Hồ Thị Kim Chi, cô bé nhỏ nhắn người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, học lớp 6 Trường TH&THCS Mò Ó, huyện Đakrông mang đến cuộc thi với mô hình “Chưng cất nước sạch dùng trong sinh hoạt gia đình”. Em cho biết, gia đình em và cộng đồng dân tộc thiểu số nơi em sinh sống gặp phải khó khăn do thiếu nước sạch sử dụng nên nảy ra ý tưởng làm mô hình này để phục vụ nguồn nước sạch hằng ngày cho gia đình và người dân trong vùng.
Kim Chi đã vận dụng kiến thức Vật lý đã được học, đó là cơ chế về sự bay hơi và ngưng tụ của nước. Để thực hiện ý tưởng này, cần xây một bể chứa có bề mặt càng rộng thì lượng nước thu được càng nhiều. Trên bể chứa có một khóa nước đặt ở mặt trên để làm nguồn cung nước vào, một khóa nước đặt ở mặt đáy để xả thải. Mặt trên bể gắn một khối chóp bằng kính trong suốt sát với miệng bể; xung quanh mép đáy khối chóp lắp các máng nhựa để thu nước ngưng tụ; các máng nhựa được gắn với một vòi nước để thu nước sạch về.
Kim Chi cho biết sản phẩm của mình xây dựng với chi phí rất rẻ, sử dụng được lâu dài cho mọi nhà để tạo ra nguồn nước sạch đủ dùng trong sinh hoạt hằng ngày mà không cần dùng máy lọc nước đắt tiền; không tốn điện năng, chỉ lợi dụng nguồn năng lượng từ ánh sáng mặt trời.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154446